Dự luật lưỡng đảng mới nếu được thông qua sẽ trừng phạt nghiêm khắc với các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc mở rộng và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi Hải quân Mỹ đang tăng cường thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, vùng biển đang tranh chấp cùng với những yêu sách phi lý của Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ cũng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên vùng biển chiến lược này, Asia Times cho biết.
Trong một động thái hiếm hoi được công bố bởi lưỡng đảng ở Mỹ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Tom Cotton, từ đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Ben Cardin từ đảng Dân chủ, tuần trước đã chính thức tái đưa ra quốc hội Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông, một biện pháp trừng phạt nhắm vào các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc.
Nhắm vào 25 công ty Trung Quốc
Dự luật liệt kê danh sách gồm 25 công ty ở Trung Quốc liên quan đến quá trình bồi lấp và xây dựng trái phép trên Biển Đông, gồm Công ty Nạo vét CCCC, một công ty con của Tập đoàn Xây dựng Đường bộ Trung Quốc (CCCC). Công ty này đã nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đã bồi lấp và biến đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo với đường băng dài hơn 3 km. Ảnh: Getty.
Các công ty lớn nằm trong danh sách gồm Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC). China Mobile, China Telecom và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC).
Nếu bị xử phạt, các công ty trong danh sách sẽ bị cấm giao dịch tại các tổ chức tài chính có trụ sở hoặc sở hữu của Mỹ, một đòn giáng mạnh vào định hướng toàn cầu của các công ty này.
Một số nhà phân tích coi dự luật này là lựa chọn ngoại giao tiềm năng chống lại Trung Quốc, khi chiến tranh thương mại giữa hai nước đang leo thang. Nếu được thông qua, dự luật cho thấy sự tập trung của lưỡng đảng trong việc đối phó với Trung Quốc.
Dự luật được công bố vào thời điểm nhạy cảm khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang diễn biến hết sức phức tạp. Ngôn ngữ cứng rắn của dự luật chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản đối của Trung Quốc.
Đường băng dài hơn 3 km được Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Asia News Network.
Dự luật có thể làm phức tạp thêm chiến tranh thương mại, nếu các công ty hàng đầu của Trung Quốc bị trừng phạt liên quan đến Biển Đông. Ngoài ra, dự luật kêu gọi chính phủ Mỹ mở rộng các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông và đáp trả một cách tương ứng các hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Dự luật được công bố lần đầu vào năm 2017, yêu cầu chính phủ áp dụng lệnh trừng phạt cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản tại Mỹ đối với bất kỳ người Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án xây dựng, hoặc hành động đe dọa đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Với cách tiếp cận toàn diện của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, theo đó, tất cả cơ quan chính phủ, quân đội có liên quan đều tham gia vào việc đẩy mạnh yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Lệnh trừng phạt có thể vượt ra ngoài các công ty thuộc sở hữu nhà nước và quân đội, cũng như chính quyền địa phương.
Chiến lược quân sự mới đi cùng với lệnh trừng phạt
Nếu được thông qua, dự luật sẽ chấm dứt sự trung lập lâu đời của Mỹ đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp gần Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông, theo Asia Times. Lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán thương mại, đi đôi với chính sách quốc phòng tập trung hơn vào Trung Quốc.
Tàu khu trục USS William P. Lawrence (DDG-110) của Mỹ trong một nhiệm vụ thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Sự thay đổi chiến lược của Mỹ có thể buộc các nước trong khu vực sớm phải chọn phe. Tuần này, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan dự kiến công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Chiến lược mới gồm các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế mới nhằm ngăn chặn và trừng phạt chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược mới có thể sẽ kêu gọi các đồng minh và đối tác tăng cường hoạt động tự do hàng hải, đẩy mạnh viện trợ quốc phòng cho các quốc gia như Philippines, hay đảo Đài Loan.
Ngoài ra, chiến lược mới khuyến khích các cuộc tập trận hải quân mở rộng và tăng cường sự phối hợp, hợp tác quân sự trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ cụ thể hóa chiến lược châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cam kết triển khai 60% sức mạnh Hải quân Mỹ trong khu vực.
“Tôi đã gặp một số người ở châu Á không tin tưởng vào chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền trước. Nhưng bây giờ họ có thể thấy chúng tôi ngày càng gắn kết hơn. Chúng tôi không chỉ tham dự các cuộc họp mà còn hành động. Quân đội chúng tôi đang hoạt động tích cực ở đó”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn.
Trung Hiếu/Newszing