Chủ đầu tư BOT T2 cho rằng việc thông xe miễn phí cầu Vàm Cống dẫn đến nguyên nhân nhiều tài xế phản đối thu phí tại trạm.
Từ khi cầu Vàm Cống chính thức thông xe vào 19/5/2019, nhiều tài xế điều khiển xe qua trạm BOT T2 (thu phí hoàn vốn QL91 đoạn Cần Thơ – An Giang) đã phản đối việc thu phí vì cho rằng chỉ đi có 300m mà phải đóng phí cho toàn tuyến đường.
Tài xế Đinh Văn Khang cho rằng, trạm BOT T2 đang có nhiều bất hợp lý khi xe đi từ TP Long Xuyên – An Giang rẽ qua quốc lộ 80 để lên cầu Vàm Cống, chỉ đi một đoạn vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến.
Một tài xế đi chiều ngược lại (từ cầu Vàm Cống vào Long Xuyên) cũng phản ứng dữ dội, cho rằng chưa kịp vui mừng vì có cầu Vàm Cống, không còn cảnh lụy phà, thì đã ức chế vì giờ đây trạm T2 chặn lối đi vào Long Xuyên.
Tài xế phản đối tại trạm BOT T2 vì cho rằng đi 300m phải trả phí cho cả tuyến đường.
Trước đó xe tải 18 tấn khi qua phà tốn 120.000 đồng. Khi có cầu Vàm Cống, tưởng tiết kiệm được tiền đi phà thì lại bị trạm BOT T2 thu 140.000 đồng.
“Xe tải của tôi 18 tấn, chở hàng từ Sài Gòn về An Giang thường xuyên. Trước đây đi phà mất 120.000 đồng. Nay có cầu đi thoải mái nhưng lại tốn 140.000 đồng, dù chỉ sử dụng vài trăm mét trên dự án BOT là quá vô lý”, một tài xế nói.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho rằng, “việc đặt trạm BOT T2 hiện tại, ai cũng thấy bất hợp lý”.
Theo ông Trí, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã làm việc với Bộ GTVT nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Trước đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cho Bộ Giao thông Vận tải phải đặt trạm BOT T2 đúng chỗ.
“Việc phản ứng đòi quyền lợi chính đáng của người dân trong trường hợp này là quá đúng”, Giám đốc sở Giao thông vận tải An Giang nói và mong các tài xế cần bình tĩnh, chờ Bộ Giao thông Vận tải giải quyết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết, việc cầu Vàm Cống mới được khánh thành và thông xe miễn phí từ ngày 19/5 là yếu tố khách quan phát sinh dẫn đến phản ứng gần đây của nhiều người dân.
Ông Khang chia sẻ, hiện tại tổng tổng vốn đầu tư dự án đạt 1.720 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 282 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến trong 34 năm. Tuy nhiên, số tiền thu phí chỉ đủ trả lãi vay (xấp xỉ hơn chục tỷ đồng) mỗi tháng. Nếu tính thêm các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí nhân công, chúng tôi đều lỗ xấp xỉ khoảng trăm tỷ đồng mỗi năm từ khi thu phí đến nay.
Ngọc Mai (Tổng hợp)