Xây dựng hoàn thiện hạ tầng pháp lý được coi là 1 trong 5 nhiệm vụ chính của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trong năm 2019. Đây là một nhiệm vụ thực sự khó khăn do QLTT là lực lượng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất, với gần 30 nghị định.
Một loại sản phẩm từng được đặt dấu hỏi là rượu bia trá hình hay nước hoa quả lên men
Rượu “ẩn” dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng
Ông Trần Phước Trí – quyền Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng cho biết, lực lượng QLTT hiện nay gặp khá nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ việc do phải áp dụng đồng thời nhiều văn bản quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực, ngành khác nhau. Trong khi hành vi vi phạm hành chính được mô tả trong các văn bản này lại chưa rõ ràng. Hay chuyện cùng một đối tượng hàng hóa nhưng lại chịu sự điều chỉnh của 2 văn bản quản lý nhà nước khác nhau của 2 bộ, ngành khác nhau…
Theo ông Trí, chính vấn đề này đã gây ra nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cũng tạo ra những kẽ hở cho người vi phạm cố tình lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm hành chính nhằm thu lợi bất hợp pháp. Hoặc có những vụ việc có quy định nhưng chế tài để xử phạt lại không có. Điều này dẫn đến công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong quá trình thực thi.
Ông Trí dẫn chứng, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các sản phẩm rượu được chưng cất, lên men từ hoa quả, từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm như rượu Ba kích, rượu tỏi đen, rượu sâm Ngọc Linh… nhưng lại được đơn vị sản xuất công bố dưới hình thức và công dụng là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và có nồng độ cồn lớn hơn 5%.
Tuy nhiên, khi kiểm nghiệm các tiêu chí thì trong phần những loại thực phẩm này có methanol, este, aldehyt là những thành phần chính của sản phẩm rượu có cồn. Do đó, việc phải có những quy định chặt chẽ để xác định chính xác sản phẩm là loại gì, chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật nào là điều tiên quyết trong việc xây dựng hành lang pháp lý xử lý hàng hóa thuộc thẩm quyền của QLTT.
Ngoài ra, theo vị này, việc xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về phân cấp phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Do đó, có thể dẫn đến việc tang vật sẽ được xử lý không đúng quy định về thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thị Ngọc – quyền Cục trưởng Cục QLTT Bình Phước cũng đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến hành lang pháp lý thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng QLTT. Theo bà Ngọc, Chính phủ cần ban hành nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể các hành vi vi phạm về hàng cấm, kinh doanh có điều kiện (pháo nổ, thuốc lá…) cho phù hợp với các điều luật liên quan đã được sửa đổi.
Trình 3 Nghị định thay thế trong 6 tháng đầu năm
Có thể thấy, dường như chưa có một lực lượng công vụ nào chịu sự chi phối, điều chỉnh của gần 30 văn bản như lực lượng QLTT. Một trong những nguyên nhân được lý giải là do lĩnh vực ngành hàng thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng QLTT khá nhiều. Do đó, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, lĩnh vực xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý để QLTT hoạt động thực sự rất quan trọng.
Nhiều đại diện các Cục QLTT địa phương cũng cho rằng, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh chia sẻ, tất cả những bất cập mà đại diện các Cục QLTT địa phương đề cập đến ông đều đã nắm rõ và cho biết, dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục QLTT sẽ trình 3 Nghị định mới là Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm thương mại; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148/2016/NĐ-CP đề ra khuôn khổ hoạt động của QLTT. Cuối cùng là Nghị định thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng nhất là quy định chi tiết xử lý đối với chai LPG, chai LPG mini bị tịch thu. Dự kiến, các Nghị định này có thể ban hành ngay trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế và Nghị định số 67/2017/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng QLTT để tạo điều kiện cho lực lượng làm việc hiệu quả các lĩnh vực đã được phân công, quản lý.
Nhật Thu/bao phapluat