Trong bản phúc trình toàn cầu 2019 đưa ra vào ngày 17/1, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã có nhận định vô căn cứ và hết sức tiêu cực tình hình nhân quyền ở nước ta: “Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018”.
Theo bản phúc trình của tổ chức này thì, các hoạt động thực thi Hiến pháp và pháp luật Việt Nam của các cơ quan chức năng bị cho là “các hình thức đàn áp”, là “các cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, hội họp, và quyền tự do tôn giáo”. Đối với các đối tượng bị bắt và xét xử vì hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì lại cho rằng “bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ”, trong đó có các thành viên của “Hội Anh em dân chủ” (đứng đằng sau tổ chức này là tổ chức phản động Việt Tân).
HRW đã nhận định thiếu căn cứ, cho rằng công an Việt Nam “đã sử dụng nhiều chiến thuật đàn áp và hạn chế các nhà hoạt động và bloggers, bao gồm giám sát, quấy rối, quản thúc tại gia, cấm đi lại, giam cầm, dọa nạt và thậm chí tra tấn trong khi thẩm vấn”; vu khống “chính phủ dung túng côn đồ tấn công các nhà hoạt động và các blogger”.
Cũng theo bản phúc trình này, HRW đã có những đánh giá can thiệp sâu vào cơ chế quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông của Việt Nam: “tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước và đảng. Luật An ninh mạng là cách mới nhất mà các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát internet và cắt đứt mọi người truy cập vào các quan điểm độc lập”.
Bản phúc trình một lần nữa thể hiện bộ rõ mặt thật của HRW là tay sai của Mỹ và các nước phương Tây trong thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” khi sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp, tác động vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tổ chức này thường xuyên xuyên tạc, đánh giá sai lệch, thiếu thiện chí đối với Việt Nam khi cho rằng đây là chế độ độc tài, chuyên chính, là trở ngại cho tiến trình dân chủ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập ở trong nước.
Mỗi quốc gia đều có một chính thể độc lập, có hiến pháp và pháp luật riêng. Bất kỳ quốc gia nào cũng không có quyền can thiệp, áp đặt, phá hoại độc lập, chủ quyền của quốc gia khác. Các hoạt động của HRW lợi dụng việc theo dõi nhân quyền để tác động, kêu gọi phá hoại độc lập, chủ quyền của Việt Nam là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải được lên án. Mọi đánh giá của HRW về nhân quyền ở Việt Nam là phiến diện và thiếu chính xác so với thực tế tình hình đang diễn ra. Bởi vậy những nhận định của HRW về vấn đề nhân quyền của Việt Nam là vô luận và là không có giá trị.
Tâm Minh