Chính phủ Anh vừa nhận thất bại lịch sử với thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hạ viện không thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May đề xuất. Ảnh: RT
Ngày 15/1, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà Thủ tướng nước này Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí, với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống. Dưới đây là những kịch bản có thể xảy ra sau khi thỏa thuận bị bác bỏ.
Quốc hội can thiệp
Công Đảng kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm: Công đảng đối lập có thể đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ chính quyền hiện hành. Nhưng chắc chắn kết quả gần như thất bại.
Công Đảng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý lần 2: Sự ủng hộ cho cách tiếp cận này đang ngày một lớn, song phương án này vẫn chưa giành được sự ủng hộ từ đa số trong Quốc hội.
Thủ tướng Theresa May làm việc với Công Đảng về một thỏa thuận Brexit mới: Thủ tướng May có thể cùng Công Đảng đưa ra một thỏa thuận về một liên minh thuế quan vĩnh viễn với EU. Song điều này sẽ khiến các thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà nổi giận và có thể không đủ đảm bảo sự ủng hộ từ Công đảng.
Các nhà lập pháp tiếp quản: Một nhóm các nhà lập pháp đang cố gắng bảo đảm quyền thiết lập chương trình nghị sự và hướng dẫn chính phủ phải làm gì trong trường hợp bế tắc hoàn toàn. Nhưng nhóm này sẽ hoạt động ra sao vẫn còn mơ hồ. Và mặc dù đa số rõ ràng muốn ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận, các nhà lập pháp vẫn không thể đồng ý một kế hoạch thay thế.
Thủ tướng May tìm kiếm sự trợ giúp từ EU
Thủ tướng May có thể quay lại đàm phán với EU và tìm kiếm một giải pháp từ họ.
Những nhượng bộ mới: Thủ tướng May rất có thể tìm kiếm những nhượng bộ từ EU, sau đó quay trở lại Quốc hội và tiếp tục bỏ phiếu để thỏa thuận được thông qua. Tuy nhiên, cơ hội cho động thái hóa giải này đang bị xem là hạn chế tại Brussels. EU muốn nhìn được dấu hiệu cho thấy nếu họ nhượng bộ bà May, điều đó phải thực sự phá vỡ được tình trạng bế tắc mà Quốc hội Anh đang gặp phải.
Thủ tướng Anh yêu cầu EU kéo dài thời hạn Brexit: Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, quyết định gia hạn 2 năm đàm phán cần có sự thông qua của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Điều này có thể xảy ra nếu Anh chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý mới hoặc có một kế hoạch mới rõ ràng. Tuy nhiên, nếu như chính quyền nước này đơn giản chỉ muốn có thêm thời gian để tranh luận hoặc tìm kiếm nhượng bộ, thì EU sẽ không đồng ý.
Thủ tướng May tung cú đánh quyết định
Rất có thể Thủ tướng May xem xét một hành động quyết liệt hơn để duy trì quyền lực.
Thủ tướng May kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử: Thủ tướng May có thể tìm cách tăng số ghế trong Quốc hội thuộc về đảng của bà để thỏa thuận được thông qua. Tuy nhiên, bà đã từng thử phương án này năm ngoái và kết cục còn tồi tệ hơn.
Thủ tướng Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2: Trong kịch bản này, người bỏ phiếu có thể được yêu cầu chọn giữa kế hoạch của Thủ tướng May và ở lại EU. Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Anh khẳng định không có cuộc trưng cầu dân ý nào hết.
Brexit không thỏa thuận
Đây được coi là một phương án mặc định, nhưng chắc chắn nó sẽ gây sự xáo trộn lớn và thiệt hại không thể tính toán được. Đây không phải là kịch bản mà đa số nghị sĩ Quốc hội mong muốn. Các nhà lập pháp cũng vẫn tích cực thảo luận xem cơ chế quốc hội chính xác có thể làm những gì để ngăn chặn điều đó. Tuy nhiên, phương án này không phải không thể xảy ra.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức