Trật tự toàn cầu mới sẽ chứng kiến các nền kinh tế mới nổi hiện nay chiếm 7/10 vị trí tốp đầu vào năm 2030, theo một dự báo
Mỹ sẽ rớt xuống vị trí số 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ, trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo dự báo mới nhất từ Ngân hàng Standard Chartered (Anh).
Bảng xếp hạng thường niên về 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới được Standard Chattered công bố hôm 10-1 cho thấy Trung Quốc sẽ soán ngôinền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ trong một thập kỷ tới, cùng lúc đó Ấn Độ sẽ vươn lên vị trí thứ hai. Cũng theo dự báo, Mỹ sẽ tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách, sau 2 quốc gia tỉ dân châu Á vào năm 2030. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ khi đó lần lượt đạt mức 64.200 tỉ USD, 46.300 tỉ USD và 31.000 tỉ USD.
Đồng thời, Standard Chartered dự báo trật tự toàn cầu mới sẽ chứng kiến các nền kinh tế mới nổi hiện nay chiếm 7/10 vị trí tốp đầu vào năm 2030. Trong đó, Indonesia sẽ bứt phá lên vị trí thứ 4, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 5. Brazil – đất nước Mỹ Latin duy nhất trong danh sách – và Ai Cập – nước Trung Đông duy nhất – dự kiến đứng thứ 6 và thứ 7.
Nga được dự đoán giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới vào năm 2030, còn Nhật Bản và Đức đều tụt hạng, xuống hạng 9 và 10. Các nước phương Tây bao gồm Anh, Ý, Pháp và Canada dự kiến đều văng khỏi tốp 10 vào thời điểm hơn 10 năm nữa.
Các chuyên gia của Standard Chattered tin rằng trong tương lai lực lượng trung lưu sẽ đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng của mỗi quốc gia, khi đại bộ phận dân số trên thế giới được dự báo sẽ tham gia vào tầng lớp này trong năm 2020.
Nhiều công nhân Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị sa thải vì cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ Ảnh: REUTERS
Vẫn còn quá sớm để biết được dự báo trên chính xác đến đâu. Trước mắt, theo đánh giá của giới chuyên gia, đã xuất hiện dấu hiệu Trung Quốc bắt đầu thấm đòn cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động thời gian qua.
Hãng tin Reuters ngày 11-1 dẫn nguồn tin độc quyền cho biết Bắc Kinh có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 trước nguy cơ Mỹ nâng rào cản thuế quan và nhu cầu trong nước suy yếu. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc năm nay dự kiến được đề xuất ở mức 6%-6,5 %, so với mục tiêu năm ngoái là khoảng 6,5%.
Mục tiêu đề xuất nói trên – dự kiến công bố trong phiên họp quốc hội thường niên vào tháng 3 – đã được các lãnh đạo nước này nhất trí tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hồi giữa tháng 12-2018. Nguồn tin cho biết: “Rất khó để tăng trưởng vượt mức 6,5% (năm nay) và rắc rối có thể xảy ra nếu tăng trưởng thấp hơn mức 6%”.
Các nguồn tin nội bộ trong lĩnh vực chính sách của Trung Quốc cho biết giữa lúc kinh tế nước này hụt hơi, các lãnh đạo cấp cao đang theo dõi chặt chẽ vấn đề công ăn việc làm bởi các nhà máy có thể buộc phải sa thải người lao động vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo tính toán, Trung Quốc cần đạt tăng trưởng khoảng 6,2% trong 2 năm tới để đáp ứng mục tiêu dài hạn đề ra là tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong thập niên tới, đưa Trung Quốc thành “quốc gia thịnh vượng vừa phải”.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được cho là đối mặt nhiều khó khăn hơn nữa nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót 1-3, thời điểm Mỹ dự kiến sẽ nâng thuế quan bổ sung đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ 10% hiện nay.
Trong một diễn biến cho thấy nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có phần tiến triển, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 11-1 tiết lộ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể đến Washington để đàm phán thương mại vào cuối tháng này.
THU HẰNG