Ngoài con gái ông Trần Bắc Hà, cơ quan điều tra còn yêu cầu BIDV phong tỏa tài khoản của 3 cá nhân khác góp vốn thành lập Công ty CP chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh.
Ngày 15.12, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN (BIDV) phong tỏa tài khoản của bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà(nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) tại ngân hàng này. Bà Phương (thường trú tại Q.3, TP.HCM), là Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng ở số 1 Hàn Mạc Tử, TP.Quy Nhơn, cùng địa chỉ với Công ty CP du lịch Hoàng Anh – Đất Xanh Quy Nhơn và Công ty CP Tập đoàn An Phú đã bị phong tỏa tài sản theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an vì liên quan đến ông Trần Bắc Hà đã bị khởi tố (Thanh Niên đã thông tin).
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã yêu cầu BIDV phong tỏa tài khoản của 3 cá nhân khác là Thái Thành Vinh (33 tuổi, ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), Trần Anh Quang (36 tuổi, ở xã Ân Thạnh, H.Hoài Ân, Bình Định) và Đinh Văn Dũng (53 tuổi, P.Diên Hồng, TP.Pleiku, Gia Lai). Đây là những cổ đông góp vốn thành lập Công ty CP chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh vào tháng 4.2015.
Lý do phong tỏa liên quan đến việc ngày 29.11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, quê quán Bình Định; nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4, điều 206, bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, Bộ Công an cũng khởi tố bị can, thực hiện khám xét, bắt tạm giam về cùng tội danh trên đối với ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng; ông Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, tổ phó tổ thẩm định chung BIDV. Riêng bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bị khởi tố cùng tội danh nói trên, nhưng được tại ngoại.
Ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố để điều tra về hành vi sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại của BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Sau khi thực hiện lệnh bắt trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt đầu xác minh kê biên, phong tỏa một số tài sản thuộc sở hữu cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến gia đình của ông Trần Bắc Hà và một số bị can để phục vụ công tác điều tra. Các khối tài sản đã được chuyển nhượng cách đây 1 năm vẫn bị phong tỏa. Và ngày 14.12, Cơ quan CSĐT tiếp tục yêu cầu phong tỏa tài khoản tại BIDV của bà Trần Lan Phương cùng 3 người như nói trên.
Việc phong tỏa tài sản người thân bị can như nói trên không phải là cá biệt. Trước đó, liên quan đến hàng loạt án kinh tế, chức vụ, tham nhũng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á)… Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng tiến hành kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của người thân, người quen liên quan đến các bị can.
Theo các chuyên gia pháp luật, việc kê biên, phong tỏa những tài sản như trên nhằm hạn chế tối đa việc tẩu tán tài sản, đồng thời thu hồi tối đa thiệt hại xảy ra, khắc phục hậu quả cho vụ án.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp cưỡng chế được quy định tại điều 128 và điều 129, bộ luật Tố tụng hình sự 2015. “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Nhưng phong tỏa tài khoản, ngoài áp dụng đối với người bị buộc tội, thì còn được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”, luật sư Tuấn nêu và cho hay thẩm quyền ra các quyết định tố tụng kê biên hoặc phong tỏa tùy vào giai đoạn vụ án sẽ do Thủ trưởng/Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng/Phó viện trưởng, Chánh án/Phó chánh án hoặc thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ra quyết định.
Giải thích thêm, bà Nguyễn Quỳnh Lan (Phó trưởng phòng, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ, Viện KSND TP.HCM) nêu đối với kê biên tài sản, quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác minh được một số tài sản dù không phải do bị can, bị cáo đứng tên nhưng có cơ sở xác định là nguồn tiền của bị can, bị cáo, liên quan đến vụ án thì vẫn tiến hành xử lý kê biên tài sản. “Kê biên là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản. Khi xét xử, việc tiếp tục kê biên hay không sẽ do HĐXX tuyên rõ trong bản án. Nếu HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, tức HĐXX xác định tài sản đó là của bị cáo, hoặc giải tỏa kê biên tức tài sản không liên quan đến bị cáo hoặc liên quan đến vụ án”, bà Lan phân tích.
Phan Thương- Hoàng Trọng