Gần đây, Phạm Đoan Trang, Trần Vi và nhóm Hate Change đã có một số hoạt động để tuyên truyền rằng Việt Nam đang ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do biểu hiện. Để đưa ra thông điệp này, họ khai thác 2 chủ đề, là Luật An ninh Mạng và các ca sĩ bất mãn.
Cụ thể, phóng viên Adam Bemma vừa đến TP.HCM để viết 2 bài về vấn đề này cho trang tin điện tử của đài Aljazeera. Để viết bài, Bemma đã phỏng vấn 2 sáng lập viên của Luật khoa Tạp chí là Phạm Đoan Trang và Trần Vi, và 2 ca sĩ nhạc rap là Suboi và Vietmax. Trong bài viết thứ nhất, Phạm Đoan Trang phàn nàn rằng Nhà nước Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện khi ban hành Luật An ninh Mạng, và khi dùng vũ lực để giải tán buổi biểu diễn nhạc vàng của Nguyễn Tín. Trong bài viết thứ hai, Suboi khoe rằng mình từng được truyền cảm hứng về quyền tự do biểu hiện và tinh thần dân chủ khi tiếp xúc với Obama, và đang đưa những thông điệp này vào âm nhạc để thay đổi giới trẻ và làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Cả 2 bài viết này đều chứa một đoạn phỏng vấn Trần Vi, và đều nhắc đến Luật An ninh Mạng. Vì trong 4 người được phỏng vấn, chỉ có Trần Vi sống ở nước ngoài thay vì TP.HCM, và cộng tác với trang New Nararif mà Bemma tham gia viết bài, nhiều khả năng Trần Vi đã giới thiệu Bemma với 3 người còn lại.
Trong 2 bài viết của Bemma, phần phỏng vấn ca sĩ Suboi không có nhiều biểu hiện vi phạm luật pháp Việt Nam. Trong khi đó, phần trả lời phỏng vấn của Phạm Đoan Trang chứa một số chi tiết sai sự thật. Cụ thể, Trang nói rằng công an giải tán đêm nhạc của Nguyễn Tín và đánh khán giả vì Tín hát những ca khúc không được Nhà nước cấp phép. Nhưng trong thực tế, công an giải tán đêm nhạc do Nguyễn Tín không có giấy phép biểu diễn, và xô xát với Trang do Trang chủ động đến khiêu khích công an.
Hiện nay, bài phỏng vấn Phạm Đoan Trang đã được bút danh Hoa Nghi dịch và đăng trên trang Việt Nam Thời báo của Phạm Chí Dũng. Bài phỏng vấn Suboi chưa được dịch, những đã được đăng lại trên fanpage của ca sĩ này.
Cũng trong tuần qua, nhóm Hate Change đã mở một khóa học trực tuyến về tự do ngôn luận, kéo dài từ ngày 03/12 đến ngày 23/12/2018. Khóa học này được Amnesty International thiết kế, sau đó được Hate Change dịch và tổ chức. Người học sẽ tự đọc tài liệu, làm bài tập và thảo luận dưới hình thức chat trong vòng 3 tuần, mỗi tuần mất khoảng 3 giờ. Cuối tuần thứ 2, nhóm Hate Change sẽ tổ chức một buổi trao đổi online giữa các khách mời và học viên dưới hình thức voice chat. Cuối khóa học, 10 học viên chăm ngoan nhất sẽ được thưởng 2 cuốn sách “Luật pháp” và “Khế ước Xã hội”, do NXB Tri thức ấn hành. Trong toàn bộ khóa học, các học viên được quyền giấu danh tính.
Từ đầu tháng 06/2018 đến nay, hai nhóm Hate Change và Luật khoa Tạp chí đã cùng tiến hành chiến dịch ký tên để phản đối Luật An ninh Mạng. Từ ngày 01/11 đến nay, nhóm Hate Change tiếp tục mở chiến dịch tuyên truyền về quyền tự do biểu đạt, nhân dịp ông Chu Hảo bị kỷ luật Đảng. Qua sự liên tục đó, và việc hai nhóm Hate Change, Luật khoa Tạp chí có một số nhân sự chung, nhiều khả năng 2 nhóm này sẽ tiếp tục khai thác vấn đề tự do ngôn luận, tự do biểu đạt trong thời gian tới.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy một môi trường thông tin tự do rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi người và của quốc gia. Tuy nhiên, Phạm Đoan Trang, Luật khoa Tạp chí và Hate Change đang nhìn vấn đề này một cách phiến diện. Trong thực tế, môi trường truyền thông phương Tây không chỉ vận hành bằng niềm tin vào tự do ngôn luận, mà còn vận hành bằng các nguyên tắc khoa học để xác định sự thật, cùng nhiều cơ chế ngăn ngừa các tin tức sai lệch, cảm tính, vụ lợi, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Những bộ luật để kiểm soát môi trường thông tin không phải là chuyện lạ ở các nước đa đảng. Chẳng hạn, ở Đức, hành vi đăng tải lên báo chí hoặc Internet các nội dung sai sự thật, phỉ báng tổng thống, phỉ báng nhà nước, phỉ báng tôn giáo, các nội dung có tác động phá hoại trật tự công cộng, kích động hận thù… đều bị xem là phạm tội hình sự. Ngày 30/06/2017, Đức đã ban hành “Đạo luật Chế tài Mạng”, cho phép chính phủ Đức yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ những nội dung trái luật vừa nêu, nếu không muốn phải nộp khoản tiền phạt lên đến 50 triệu Euro.
Trong bản báo cáo nổi tiếng vào năm 1947, Ủy ban Tự do Báo chí của Mỹ cũng từng tuyên bố rằng:
“Nếu xã hội hiện đại yêu cầu những tổ chức truyền thông đại chúng lớn, nếu các tổ chức này lớn mạnh tới mức trở thành mối đe dọa đối với nền dân chủ (…), thì những tổ chức này phải tự kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi chính phủ. Nếu chúng bị kiểm soát bởi chính phủ, chúng ta sẽ mất đi biện pháp an toàn chính chống lại chế độ chuyên chế, đồng thời tiến một bước dài gần đến nó. (Vì vậy) …chính phủ phải đặt giới hạn về mức độ can thiệp, quản lý, kìm nén tiếng nói của báo chí hoặc kiểm soát thông tin ảnh hưởng tới đánh giá của công chúng”.
Như vậy, quyền phải gắn liền với trách nhiệm, và tự do ngôn luận chỉ có thể được mở rộng nếu mỗi người đưa tin một cách có trách nhiệm hơn. Dưới góc nhìn này, hành vi đưa tin sai sự thật để kích động quần chúng của Phạm Đoan Trang không những không giúp mở rộng tự do ngôn luận, mà còn gây hại cho nó.
Theo Loa phường