Mấy ngày gần đây, dư luận trong toàn xã hội đang râm ran câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ở trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phạt một em học sinh lớp 6 nói tục bằng 231 cái tát vào mặt. Tìm hiểu thêm về câu chuyện, tác giải được biết nội dung thế này: Ngày 19/11/2018, trong giờ cô giáo đang giảng bài thì cậu bé tên Hoàng L. N. có buông lời trêu chọc bạn trong lớp, thế là cô giáo phạt cậu bé bị cả lớp tát. Sĩ số của lớp là 27, trừ cậu bé và có ba bạn khác quên vở phải về nhà lấy thì còn 23 bạn, và mỗi bạn lại phải tát cậu bé 10 cái như vậy cậu bé bị tát 230 cái. Lúc các bạn của cậu bé tát xong, cậu bé lại tiếp tục buông lời nói tục và bị cô giáo chốt thêm 1 tát nữa, như vậy cậu bé được ăn 231 cái tát. Đến lúc cậu bé học về thì gia đình thấy bé bị sưng má nên đưa bé đi khám và điều trị, sau 3 ngày thì xuất viện.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy và em Hoàng L. N.
Với trách nhiệm của những người làm giáo dục, bản thân tôi cực lực lên án hành vi của cô giáo Thủy, không thể có một lý do nào có thể biện minh được cho hành vi phản giáo dục này. Cô Thủy là giáo viên chủ nhiệm, lớp của cô luôn có kết quả thi đua thấp và ảnh hưởng đến thành tích của cô Thủy. Có lẽ vì thế mà cô có cách giáo dục khác người chỉ vì thành tích của mình. “Trẻ em như búp trên cành” vậy mà cô nỡ nào giơ tay tát học sinh, rồi còn bắt cả lớp tát bạn mình, thử hỏi, nếu cậu học trò đó là con của cô và cũng bị đối xử như thế thì cô sẽ như thế nào? Trong khi đó, các em còn nhỏ, học với nhau còn cả một thời gian dài, là bạn bè với nhau mà cô lại bắt buộc các em phải đối xử với nhau như vậy, liệu cô có xứng đáng để đứng trên bục giảng nữa không? Hơn nữa, việc tát học sinh của cô không phải là lần đầu, mà trước đó đã nhiều lần lặp lại. Việc này không còn ở phạm trù đạo đức nữa mà đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc cơ quan Công an khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ và xử lý hành vi của cô là hoàn toàn chính xác.
Đối với nhà trường nơi cô Thủy công tác, cái bệnh thành tích đã làm cho môi trường giáo dục trở nên đen tối. Bởi cái lý do chuẩn bị cho ngày 20/11 mà không giải quyết vụ việc; rồi khi vụ việc bị báo chí phanh phui thì hiệu trưởng nhà trường lại lên tiếng xin báo chí đừng đưa tin vì lý do “đạt chuẩn quốc gia”. Với trách nhiệm của mình, có lẽ hiệu trưởng nên xin từ chức ngay lập tức. Chứ một trường chuẩn quốc gia mà để xảy ra tình trạng thầy không ra thầy, trò không ra trò thế thì chuẩn quốc gia để làm gì?
Tuy nhiên, khi xem xét vụ việc, ngoài việc cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể nhà trường, tôi còn thấy một phần trách nhiệm rất lớn từ báo chí, từ các cơ quan truyền thông. Hãy nhìn xem, hầu hết các trang báo điện tử khi nắm được thông tin vụ việc thì ào ào đưa tin, chỉ trong vài hôm mà tình ra có cả trăm bài bào, hàng nghìn trang mạng chia sẻ với nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, rất nhiều trang báo cũng như trên mạng xã hội giật tít kiểu như: “Cậu bé học sinh lớp 6 bị cô giáo phạt 231 cái tát phải nhập viện cấp cứu”, với cái tít như thế, tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã được nâng lên một bậc, bởi thực tế là khi cháu bé về nhà, bố mẹ cháu phát hiện mới đưa cháu đi thăm khám và điều trị, không phải là đi cấp cứu. Thậm chí có báo còn nêu tình tiết vụ việc như tiểu thuyết kiếm hiệp “bồi thêm một tát chí mạng khiến học sinh này phải nhập viện”. Việc đưa tin phản ánh cái xấu là đúng, nhưng xin hãy đưa tin bằng cái tâm, đừng vì câu view, kiếm like mà làm cho vụ việc thêm trầm trọng, xã hội thêm náo loạn.
Một bài báo đưa tin về vụ việc
Sự cộng hưởng của báo chí với mạng xã hội đã đưa một vụ việc nóng trở nên bỏng rát khi người người, nhà nhà thi nhau tìm facebook của Cô Thủy để chửi bới, mạt sát cô. Báo chí thì thi nhau đào bới, bất kì chi tiết nào của vụ việc cũng đưa ra bình luận, thậm chí làm thay luôn việc của các cơ quan pháp luật là điều tra và luận tội luôn cho cô. Phải chăng các nhà báo đã tự cho mình cái quyền định đoạt trước tương lai cho người khác?
Cộng đồng mạng làm thay chức năng cơ quan điều tra
Xung quanh vụ việc “ 231 cái tát” này còn khá nhiều vấn đề đáng phải bàn tới, từ việc xử lý vi phạm của cô Thủy, vấn đề về phương pháp rèn luyện đạo đức, dạy học trong nhà trường. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ vụ việc, đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho dư luận. Các nhà sư phạm, quản lý giáo dục cũng cần phải rút ra bài học trong kiểm tra, đánh giá đối với đạo đức của giáo viên, cũng như là phương pháp rèn luyện đạo đức trong trường học hiện nay.
Cuối cùng, thiết nghĩ, con người ta ai chả có lúc sai lầm, và cái sai của họ đương nhiên phải trả giá, không chỉ tiền bạc mà cả sinh mệnh chính trị, rồi còn cả búa rìu dư luận. Nhưng, xét cho cùng, cô giáo Thủy cũng là một con người, hàng chục năm gắn bó với nghề giáo của cô đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò, tất cả đều bị đánh đổ bới sai lầm ngày hôm nay, mà nguyên nhân có xuất phát từ riêng bản thân cô không hay là trách nhiệm cả một ngành giáo dục phía sau. Bỏ qua sai phạm thì trên vai cô còn có gánh nặng của gia đình, còn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Đè một con người xuống bùn sâu thì dễ, kéo họ lên từ vũng bùn mới khó, nên chăng cần có sự nhân văn trong xử lý vụ việc này để tránh kéo theo hệ lụy về sau.
Đại Long