Sáng 02/11/2018, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chương Lao động của Hiệp định này cho phép thành lập các công đoàn độc lập, không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà Nhà nước trực tiếp quản lý. Trước các diễn biến đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngô Duy Hiểu cho biết ông có 2 mối lo. Một, là khả năng hình thành các “công đoàn vàng”, do giới chủ tự thành lập và thao túng. Hai, là các tổ chức “đại diện người lao động, nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp cho trật tự an toàn xã hội”. Vì vậy, ông Hiểu tuyên bố ông ủng hộ các công đoàn mới ra đời, nhưng đó phải là “một tổ chức thực sự vì người lao động, cùng người lao động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp”.
Trong tuần qua, truyền thông lề trái đã nhìn viễn cảnh “công đoàn độc lập” thời CPTPP theo 2 cách.
Trong cách nhìn thứ nhất, Ngô Ngọc Trai viết trên BBC tiếng Việt rằng CPTPP sẽ khiến các “công đoàn độc lập” được hình thành, khiến “quyền tự do lập hội” được công nhận, từ đó thay đổi cách vận hành của nền chính trị Việt Nam. Thay vì tiếp tục vận hành bằng các mệnh lệnh hành chính một chiều, nền chính trị Việt Nam sẽ trở thành “một cuộc đàm phán” giữa “nhiều chủ thể” – như chính phủ, các tổ chức độc lập, tòa án và báo chí…
Trong cách nhìn thứ hai, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Xuân Nghĩa và một số cá nhân khác cho rằng CPTPP sẽ giúp các tổ chức chống đối được hoạt động hợp pháp dưới vỏ bọc “công đoàn độc lập”, để tiến hành các cuộc cách mạng đường phố nhằm lật đổ chế độ, theo khuôn mẫu của “Công đoàn Đoàn Kết” tại Ba Lan.
Với cách nhìn này, họ đang tập trung tuyên truyền 3 thông điệp.
Thứ nhất, họ công kích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng cách nói rằng tổ chức này vừa tiêu tiền của công nhân, vừa cấu kết với giới chủ để dập tắt các cuộc biểu tình của công nhân.
Thứ hai, họ quảng bá các tổ chức, cá nhân chống đối từng hoạt động dưới vỏ bọc “công đoàn độc lập” – như các nhóm Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt Tự do; các cá nhân Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức…
Thứ ba, họ rêu rao rằng Nhà nước đang “chuẩn bị phương án vu cáo công đoàn độc lập” là “gây bất ổn chính trị”, hoặc “đứng về phía giới chủ thay vì công nhân”…
Các công đoàn độc lập hoàn toàn có thể hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu các nhà chống Cộng không tham gia vào quá trình đó, vì các lý do sau:
Một là, khi đa số giới chống Cộng chỉ ngồi nhà chửi chế độ để được nhận tiền viện trợ từ nước ngoài, họ không có tư cách đại diện cho người lao động Việt Nam.
Hai là, khi giới chống Cộng chỉ muốn kêu gọi công nhân biểu tình để lật đổ chế độ, họ không bảo vệ quyền lợi của công nhân, mà chỉ biến công nhân thành con tốt thí.
Ba là, giới chống Cộng không có tư cách thành lập “Công đoàn độc lập”, khi chính họ không độc lập về mặt tài chính và chính trị với các chính phủ nước ngoài.
Bốn là, khi chính các hội đoàn chống Cộng còn đang tan nát vì nạn tham nhũng và bè phái, thì họ không nên thành lập thêm các tổ chức ngoài chuyên môn của họ.
Hồng Ân