Những tưởng bao nhiêu bài báo, ý kiến của chuyên gia, dư luận phân tích về sự việc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tính toán sai về số liệu sai phạm của Bộ Công an sẽ giúp ông hiểu thấu đáo vấn đề. Bởi suy cho cùng thánh nhân có khi còn sai chứ huống gì là con người. Vậy mà, không để cho câu chuyện lắng xuống, mới đây, nghị Nhưỡng lại tiếp tục “nã pháo” vào lực lượng này. Nghe thì có vẽ là vì dân, vì nước đấy, nhưng…
Điều đầu tiên, khách quan mà nói thì tôi đánh giá cao và thích sự tự tin, khí phách của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi ông thẳng thắn nói về những sai phạm của lực lượng Công an ngay chốn nghị trường, được trực tiếp trên sóng truyền hình. Thử hỏi, được mấy vị đại biểu can đảm, dám đứng lên nói về cái sai của một bộ ngành then chốt, có trọng trách giữ gìn an ninh trật tự đất nước như vậy?
Có lẽ cũng vì thế mà ông mới khẳng khái trả lời báo chí là “Đến thời điểm nay, 80-85% người trong số đó hầu như ủng hộ cá nhân tôi. Và đến ngày hôm nay, thấy anh em báo lại hơn 18.000 người ủng hộ quan điểm của anh”. Ừ thì cứ cho ông có số liệu thống kê đúng đi. Nhưng cũng nói với ông là đừng vội mừng, người ta đồng tình, đưa ông “lên trời xanh”, làm người nổi tiếng chẳng qua là vì ông dám “nã pháo” vào ngành công an chứ không phải là ủng hộ với những lập luận cùn, cãi chày cãi cối của ông. Cái sai nó sờ sờ ra được nhiều bài báo phân tích rồi nên ở đây tôi không nói ra nữa.
Nói về phát ngôn ngông cuồng mới đây của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, khi ông cho rằng lực lượng công an: “đừng làm láo nháo, báo cáo thì hay, dối trên gạt dưới, lấy thành tích mà làm những việc trái đạo đức, trái lương tâm, vi phạm pháp luật”. Nghe xong người viết phải cảm phục nghị Nhưỡng, bởi ông lo cho dân, nghĩ cho đất nước quá mà. Thế nhưng, xin hỏi đại biểu Nhưỡng là ông lấy bằng chứng gì mà nói là Bộ Công an “báo cáo không đúng sự thật, dối trên gạt dưới”? Đã mạnh miệng nói ra như vậy thì chắc hẳn ông đã có bằng chứng, con số thống kê cụ thể hết rồi, thôi thì công khai, minh bạch cho người dân biết rõ luôn đi, chứ úp mở, nói khơi khơi thế này, dân muốn tin ông cũng khó. Chưa hết, chính Ủy ban Quốc hội là cơ quan kiểm định kết quả, báo cáo mà Bộ Công an trình lên. Vậy thì hóa ra ông Nhưỡng phủ định hết kết quả kiểm tra của cơ quan này hay sao?
Mà nghĩ cũng lạ, Bộ Công an lấy thành tích kiểu gì lại đưa ra ánh sáng những vụ án liên quan tới các sĩ quan cấp cao, tướng Vĩnh, tướng Hóa như vậy? Đáng lý ra phải để nó chìm xuồng, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau, sắp xếp êm xuôi thôi chứ, đằng này lại quyết tâm làm đến cùng, điều tra, xét xử còn cho báo chí, truyền thông góp mặt, thông tin đến dư luận thế kia. Ai cũng thấy rằng việc điều tra, truy tố, xét xử đánh bạc quy mô lớn tại Phú Thọ, trong đó có truy tố, xét xử ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, theo nguyên tắc không có vùng cấm, công danh và tội trạng được phân biệt rõ ràng.
Có thể thấy, sau khi bị bốc phốt tính toán sai, phát ngôn liều về Bộ Công an, thì lời lẽ lần này của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lại thể hiện sự cay cú, hằn học, đá xéo lực lượng này chứ không phải là góp ý trên tinh thần xây dựng.
Thêm nữa, nghị Nhưỡng cho rằng: “Nhiều cử tri ước ao giá mỗi tỉnh, thành phố có một người tài như tướng Hồ Sỹ Tiến, Bộ Công an có 10 người như vậy thì hay biết mấy”. Phát ngôn này của ông Nhưỡng lại một lần nữa làm dậy sóng nghị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên thảo luận ngay sau đó đã vạch trần sự xảo ngôn của đại biểu này bằng khẳng định: “Bộ Công an có rất nhiều người như tướng Hồ Sỹ Tiến chứ không chỉ có một”. Tuy còn có những “con sâu” trong ngành, nhưng ông Nhưỡng cũng không nên phũ sách mọi cố gắng, nỗ lực của cả ngành công an như vậy. Vẫn còn đó những chiến sỹ đang ngày đêm túc trực, phối hợp với các lực lượng bảo vệ bình an cho đất nước, người dân. Chưa kể, nhiều chiến sỹ đã không tiếc máu xương, hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm, tham gia triệt phá, thu giữ hàng tấn ma túy mỗi năm để cứu biết bao con người thoát khỏi cái chết “trắng”.
Kỳ thực, ĐBQH phát biểu thẳng thắn, dân chủ, cởi mở là một điều đáng trân trọng và lắng nghe. Tuy nhiên, là một người đại diện cho tiếng nói của cử tri, được người dân bầu ra, khi đăng đàn cũng không nên phát biểu khơi khơi, cho có, muốn lấy lòng người dân như vậy. Giả sử ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng không tố cáo cả ngành công an một cách chung chung mà chỉ ra sai phạm cụ thể của cá nhân công an nào, đơn vị công an nào đối với một công dân nào thì ông sẽ xứng đàng được tôn vinh hơn đấy. Bởi vậy người ta mới có câu: “Nói thì dễ, nhưng làm sao để người ta nể mới khó” ông nghị Nhưỡng à!
VNTB