Thiên An là vùng đồi núi nằm ở phía Nam TP. Huế, thuộc xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khu vực này gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau, Đan viện Thiên An (ĐVTA) tọa lạc ở ngọn đồi cao nhất. Được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”, đồi thông Thiên An có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của du khách khi tham quan du lịch cố đô Huế. Nhưng 3 năm trở lại đây, trên mảnh đất này bắt đầu nảy sinh nhiều vụ việc gây an ninh trật tự xã hội mà nguyên cớ bắt đầu từ những việc làm vi phạm pháp luật của ĐVTA.
Người của Đan viện Thiên An cản trở, phản đối công trình đang xây dựng hợp pháp trên thửa đất 43-1a
Vi phạm pháp luật có hệ thống
Từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017, Đan viện Thiên An ĐVTA đã nhiều lần tổ chức xây dựng, lấn chiếm đất trái phép, thiếu thiện chí trong việc phối hợp với chính quyền địa phương xã Thủy Bằng giải quyết ổn thỏa vướng mắc phát sinh. Trong đó, nổi lên là các hoạt động như: tự ý dựng mái che, trụ bạch đàn và lợp tôn trên diện tích đất do Lâm trường Tiền Phong quản lý; dựng hàng rào chiếm đất của một hộ dân và đất thuộc Lâm trường Tiền Phong quản lý; xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp nhưng không xin phép; cưa thông thuộc rừng đặc dụng; đổ bê tông lấn chiếm đường và dựng tượng trái phép… Cụ thể:
Từ tháng 1/2015 đến đầu tháng 7/2017, ĐVTA đã huy động lực lượng, phương tiện máy móc tiến hành xây dựng nhiều công trình không phép trên phần đất nông nghiệp ĐVTA đang sử dụng, lấn chiếm đất do UBND xã Thủy Bằng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Từ ngày 14 – 21/1/2015, ĐVTA cho dựng mái che, đổ bê tông tại đồi Đức Mẹ, phía trên lợp tôn tại đất rừng đặc dụng cảnh quan tiểu khu 153 xã Thủy Bằng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý. Quá trình thi công, ĐVTA đã tự ý cơi nới thêm diện tích xung quanh tượng Đức Mẹ khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền. Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong phối hợp với UBND xã Thủy Bằng lập biên bản, đề nghị dừng việc thi công, nhưng phía ĐVTA vẫn không dừng lại và không ký vào biên bản.
Tiếp đó, ngày 15/4/2015, qua kiểm tra, UBND xã Thủy Bằng phát hiện ĐVTA cố tình xây dựng nhà trái phép trên thửa đất số 43, thuộc tờ bản đồ 09, đất sản xuất nông nghiệp, hiện trạng trên đất Đan viện đang trồng cây chè và cây keo lai với chiều dài 11 mét, rộng 7,5 mét, kết cấu cột kèo bằng sắt, mái lợp ngói, trụ móng đổ bê tông, nền đất. Ngày 25/2/2016, ĐVTA đã tự ý cơi nới nhà và công trình vệ sinh xung quanh khuôn viên nhà tứ giác dựng trái phép trên phần đất nông nghiệp do ĐVTA sử dụng. Chỉ ít lâu sau, ĐVTA cho dựng trụ sắt làm mái che để trồng rau màu mà không xin phép cấp có thẩm quyền.
Đầu tháng 8/2016, ĐVTA đã tiến hành cơi nới một ngôi nhà ở vườn sắn, dựng một nhà rường ở vườn cam với diện tích khoảng 30m2 trên phần đất nông nghiệp mà ĐVTA đang sử dụng, nhưng không xin phép chính quyền địa phương. ĐVTA tiếp tục dựng một ngôi nhà rường với diện tích rộng 5 mét, dài 7 mét và dựng 1 bể nước tại khu vực 64 cây thông do UBND xã Thủy Bằng quản lý bị số đối tượng xấu đốn hạ trước đó…
Từ ngày 25/4 đến 30/5/2017, ĐVTA liên tiếp đào múc đất, phá đường dân sinh, phòng cháy, chữa cháy rừng nối thôn Cư Chánh 1 và thôn Kim Sơn; tự ý đào múc đất làm thay đổi hiện trạng tại thửa đất số 16, tờ bản đồ 08, diện tích 5699,8m2 do UBND xã Thủy Bằng quản lý. Ngoài ra, ĐVTA thường xuyên có các vi phạm về pháp luật lâm nghiệp như: Rào hàng rào tạm bằng cọc gỗ để lấn chiếm đất, đào mương cơi nới diện tích đất, phát thực bì làm hàng rào tạm… Khi chính quyền địa phương và ngành chức năng phát hiện, lập biên bản về những sai phạm của ĐVTA, nhưng đại diện ĐVTA không ký vào biên bản mà còn có những lời lẽ thiếu chuẩn mực và tỏ thái độ bất hợp tác.
Không dừng lại ở việc lấn chiếm đất đai của Nhà nước, từ tháng 1/2015 đến đầu năm 2018, ĐVTA đã lấn chiếm đất vườn của ông Nguyễn Viết Củ, người dân thôn Kim Sơn 3 lần. Đan viện còn chỉ đạo tu sĩ san ủi hai ngôi mộ của họ Nguyễn Viết của ông. Con đường dân sinh của bà con thôn Kim Sơn cũng bị ĐVTA phá bỏ. Cuối năm 2017, rừng keo tràm hơn 2 năm tuổi của ông Nguyễn Ngọc Hùng – người dân thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng trồng ở gần hồ Thủy Tiên, thôn Kim Sơn đã bị ĐVTA cho người chặt hạ tận gốc, với số lượng lên đến 5.000 cây, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Bất bình trước những việc làm vô thiên vô pháp của ĐVTA, nhiều người dân ở thôn Kim Sơn đã lên tiếng phản đối và gửi đơn cho các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị giải quyết, đồng thời yêu cầu ĐVTA phải phục hồi, trả nguyên hiện trạng con đường, kể cả hai ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Viết.
“Vừa ăn cướp, vừa la làng”
Mới đây nhất, sáng ngày 1 & 2/11/2018, hàng chục tu sĩ và người của ĐVTA đã tụ tập tại dải đất bên lề đường nhựa dẫn lên đồi thông Thiên An, mang theo băng rôn với dòng chữ “Xin tôn trọng đất thánh của Đan viện Thiên An – các hành vi cướp đất của Đan viện để xây cất là trái pháp luật”. Đây là dải đất giáp Tỉnh lộ 25 và thửa đất số 43-1a thuộc thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Số người này tìm cách cản trở những người thợ đang xây dựng công trình trên thửa đất 43-1a, không cho phép số lao động này dọn dẹp rác thải, nhổ cỏ mọc bừa bãi, gây mất mỹ quan trên dải đất này với lý do: cỏ mọc ở đây là của Đan viện trồng và rác cũng của Đan viện nên người ngoài không có quyền động đến.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lô đất 43-1a thuộc thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đăng Tuấn và bà Đoàn Thị Thuận vào ngày 25/6/2018 với diện tích 479m2. Trước đó, lô đất này từng trải qua 2 lần chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tất cả đều đảm bảo mọi quy định về trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Không dừng lại ở việc lấn chiếm đất đai trên thực địa mà “Được đằng chân, lân đằng đầu”, ĐVTA còn gửi đơn cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đòi lại 107,6976 ha đất đã được giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng. Trước những đòi hỏi bất hợp lý của ĐVTA, ngày 25/7/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có Công văn số 5279/UBND-ĐC trả lời, trong đó khẳng định: Không thừa nhận việc đòi lại 107,6976 ha đất đã được giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai; tổng diện tích đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho ĐVTA là 142.967m2, trong đó, không bao gồm thửa đất 43-1a.
Riêng công trình cấp 4 đang xây dựng trên thửa đất 43-1a, trước khi bắt đầu khởi công đến nay, chủ đầu tư đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định của pháp luật. Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định tại khoản k, điểm 2, điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 10, điều 4 Quyết định 65 của UBND tỉnh về miễn cấp phép xây dựng đối với đất ở nông thôn.
Văn bản đòi phi lý của Đan viện Thiên An
Hành vi vi phạm pháp luật của ĐVTA đã rõ thế nhưng họ “vừa ăn cướp, vừa la làng”, liên tục đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin liên quan đến vấn đề này lên internet, mạng xã hội facebook với những lời lẽ tuyên truyền, kích động, vu khống sai sự thật. Một mặt làm cho công luận hiểu sai bản chất sự việc, mặt khác là nguyên cớ để các tổ chức theo dõi nhân quyền, các tổ chức có hoạt động chống Việt Nam và các phần tử ra sức xấu tuyên truyền, xuyên tạc Việt Nam can thiệp, đàn áp tôn giáo.
Từ bao đời nay, người dân xã Thủy Bằng không kể lương hay giáo đều chung sống đoàn kết, hòa thuận, giữ trọn tình làng nghĩa xóm. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn thực hiện nhất quán đúng chủ trương, chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đảm bảo các tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đáng tiếc, ĐVTA liên tục có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, tạo hiềm khích, làm sứt mẻ tình cảm, tính cố kết cộng đồng được gìn giữ qua bao đời nay, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Nhiều người đặt câu hỏi với những việc làm trái quy định của luật pháp và giáo hội trong thời gian vừa qua, liệu Đan viện Thiên An có còn là nơi tu hành của Công giáo như đúng tên gọi tốt đẹp của nó hay đang dần biến thành Đan viện Thiên Lôi ?.
Võ Thắng