Hải quân Mỹ thể hiện quyết tâm duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cuộc tập trận chung lớn nhất của nước này trong năm nay với Nhật Bản.
Cuộc tập trận, được gọi là Keen Sword (Thanh gươm sắc), tại vùng biển Philippines, phía Nam Nhật Bản “chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, Chuẩn đô đốc Karl Thomas nói với Nikkei ngày 3/11.
“Khu vực này hết sức quan trọng với toàn thế giới. Chúng tôi cần có hoạt động thương mại và phát triển thịnh vượng ở đây. Cuộc tập trận nhằm ổn định và duy trì khả năng của hai nước”, ông Thomas nói.
Hai quốc gia đã gửi đi tổng cộng 57.000 thủy thủ và cùng nhiều lực lượng khác cho cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 29/10, bao gồm diễn tập trên mặt đất, trên biển và trên không. Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ diễn tập hoạt động đổ bộ, được thiết kế để bảo vệ hoặc chiếm lại các đảo ở vùng xa của Nhật Bản.
Chuẩn đô đốc Thomas chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 (CSG5), lực lượng chiến đấu lớn nhất của hải quân Mỹ, trên tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan. CSG5 là lực lượng thuộc Hạm đội 7, có trụ sở tại Yokosuka, Nhật Bản, bao gồm các lực lượng hậu cần, trinh sát và dò mìn khác.
Thiếu tướng hải quân Thomas trên tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: Nikkei.
Tàu Reagan, dài 333 mét và nặng khoảng 100.000 tấn, mang theo máy bay chiến đấu ném bom F/A-18 Hornet, máy bay tuần tra E-2 Hawkeye và trực thăng tuần tra SH-60 Seahawk. Tổng số phi cơ lên đến 75 chiếc, bao gồm khoảng 50 chiếc Hornet. Nhiều tàu tuần dương và tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình bảo vệ cùng đi theo tàu Reagan.
“Chúng tôi tích cực phô diễn sức mạnh không quân cho cuộc tập trận này. Mỗi ngày, rất nhiều máy bay cất cánh và hạ cánh tại đây. Đó là năng lực mà tàu Ronald Reagan có thể phô diễn ở bất cứ đâu”, ông nói thêm.
Thông điệp của chuẩn đô đốc Thomas được gửi đi trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chiến tranh lạnh, khi Bắc Kinh đầu tư phát triển công nghệ và tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á và các vùng biển trong khu vực.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục cho xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Các động thái này dấy lên câu hỏi liệu mục đích của Trung Quốc là để phòng thủ hay để phục vụ cho mục tiêu bá chủ của nước này.