Xem xét xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch 1.508 tỷ đồng bằng tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn
Sáng 8/10, HĐND TP HCM khoá IX đã chính thức khai mạc kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường).
HĐND TP.HCM sẽ xem xét chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ bằng tiền bán đất. Ảnh minh họa
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết kỳ họp này sẽ xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Trình bày tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với mức đầu tư 1.508 tỷ đồng. Vốn đầu tư được trích từ ngân sách thành phố, mà cụ thể là nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Theo ông Liêm, nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Ông Liêm cho rằng, TP HCM là một thành phố văn minh hiện đại, ngoài đầu mối giao lưu về kinh tế xã hội thì cũng rất cần những công trình văn hóa xứng tầm nhằm giao lưu các giá trị văn hóa.
“Trước đây vào thời Pháp thuộc, TP HCM có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Nay chỉ còn Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế” – ông Liêm lý giải.
Ông Liêm cũng cho rằng, xây dựng nhà hát còn nhằm đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa ghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.
Phát biểu thẩm tra tờ trình, Trưởng Ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Dũng cho rằng cần thiết phải xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Tuy nhiên, ông Dũng đề nghị UBND TP lưu ý nhà hát cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Ông Dũng cũng lưu ý UBND TP cần chọn nhà thầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng nhà hát này.
Từng trao đổi với Đất Việt về chủ trương trên, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM bày tỏ băn khoăn.
Vị KTS không phủ nhận nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của người dân nhưng ông cho rằng, TP.HCM cần xem xét ưu tiên cái gì cần thiết hơn.
Được biết, kỳ họp này cũng xem xét tờ trình của UBND TP HCM về quyết định chủ trương đầu tư 45 dự án nhóm B sử dụng vốn cân đối ngân sách thành phố với tổng đầu tư hơn 8.480 tỷ đồng.