Để sẵn sàng cho cuộc chiến có thể nổ ra với Triều Tiên, chính phủ Anh đã công khai kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến điểm nóng này.
Đòn gió của Anh
Daily Mail dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, nước này đang cân nhắc kế hoạch triển khai tàu sân bay hiện đại nhất của Hải quân nước này là HMS Queen Elizabeth tới bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi có nhiều tàu để triển khai… các tàu khu trục Type 45, tàu hộ vệ Type 23. Tàu sân bay mới của Anh có thể được đưa vào sử dụng sớm nếu tình hình trở nên xấu đi”, Daily Mail dẫn nguồn tin Chính phủ Anh cho biết.
Được biết, hiện tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang có các cuộc thử nghiệm trên biển ở Portsmouth, dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau năm 2020 nhưng con tàu vẫn có thể được triển khai tham chiến trước thời hạn nếu chiến tranh xảy ra.
Ngay khi kế hoạch triển khai tàu sân bay của Anh được công khai, truyền thông Mỹ nhận định, đây rõ ràng là tuyên bố không mang tính thực tế và chỉ hô hào theo lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường lực lượng sẵn sàng đối phó với Triều Tiên khi cần thiết.
Tạp chí National Interest cho rằng, việc người Anh triển khai tàu sân bay đến bán dảo Triều Tiên trong thời điểm này là điều không thể bởi HMS Queen Elizabeth hiện mới trong giai đoạn đầu của thử nghiệm.
Ngoài ra, phải đến năm 2023, Hải quân nước này mới được tiếp nhận những chiếc F-35B đầu tiên đủ năng lực tác chiến. Vì vậy, từ nay đến thời điểm đó, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth không có bất cứ chiến đấu cơ nào có thể hoạt động trên đó.
Tạp chí Mỹ còn tiết lộ thêm rằng, do đặc điểm thiết kế của HMS Queen Elizabeth không có cáp hãm đà và máy phóng nên chỉ có chiến đấu cơ được thiết kế kiểu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B mới có thể hoạt động.
Bị coi thường
Không chỉ chưa thể triển khai, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và tiêm kích F-35B còn bị coi thường ra mặt. Tờ WantChinatime dẫn lời ông Cao Weidong, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, tiêm kích J-15 của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đánh bại tàu sân bay HMS Queen Elizabeth với tiêm kích F-35B.
Theo ông Weidong, tiêm kích J-15 sẽ phát hiện và bắn hạ chiếc F-35B trong một cuộc đối đầu trực tiếp. Để làm được điều đó là bởi chiến đấu cơ Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn. Chiếc F-35B tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn so với J-15, nó có một bán kính chiến đấu chỉ 500 km, trong khi J-15 có bán kính lên tới 1.000 km.
Với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, chiếc F-35B thậm chí còn nặng hơn cả phiên bản F-35C của Hải quân Mỹ. Do có tiêm kích hạm tốt hơn nên trong một cuộc xung đột hạn chế, tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc có khả năng đánh bại một con tàu lớn như tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh.
Theo nhận định trên, tiêm kích J-15 có thể mang 7 tấn nhiên liệu và vũ khí khi cất cánh bằng boong phóng kiểu nhảy cầu trên tàu Liêu Ninh, đây là điểm yếu lớn nhất của các tiêm kích hạm của Hải quân Trung Quốc.
Vị chuyên gia này cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, với boong phóng kiểu trượt tuyết và một sàn đáp chéo góc, có thể chuẩn bị cho sự ra mắt của 6 chiếc F-35B cùng một lúc, tạo cho nó một lợi thế hơn hẳn so với Liêu Ninh.
Tuy nhiên, việc F-35B chỉ được mang được một nửa số vũ khí so với thiết kế ban đầu khiến cả F-35B và hàng không mẫu hạm của Anh hoàn toàn có thể bị J-15 trên tàu Liêu Ninh đánh bại, ông Weidong nhận định đầy tự tin.
Theo nhận định của vị chuyên gia Trung Quốc, khoang vũ khí bên trong F-35B là quá nhỏ so với kích thước bom Đường kính nhỏ II (SDB II) cần phải vận chuyển của máy bay. Theo yêu cầu, các máy bay chiến đấu đều phải vận chuyển ít nhất là 8 quả bom SDB II trong mỗi lượt tấn công mục tiêu, nhưng F-35B chỉ có thể chứa tối đa 4 quả.
Tuy nhiên, ông Weidong cho rằng rất khó để dự đoán bên nào sau cùng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột tiềm năng bởi thắng hay thua còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố trên chiến trường.