Công an sẽ điều tra việc gian lận thi cử đến các năm trước, các địa phương khác nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Chiều 13-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và các đại biểu (ĐB) QH. Bộ trưởng đã nhìn nhận các sai phạm trong nội bộ ngành là bài học đắt giá và lực lượng đã có biện pháp chấn chỉnh, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra.
“Bài học rất đắt giá cho lực lượng”
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết nhân dân và cử tri rất bức xúc về tình hình phạm tội có tổ chức liên quan đến một số hành vi vi phạm pháp luật của một số sĩ quan, tướng lĩnh thời gian qua. “Vụ Vũ “nhôm” là một điển hình của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhà nước trao nhầm cho kẻ phạm tội. Sau vụ Vũ “nhôm”, Bộ Công an đã rà soát, kiểm tra xem còn tổ chức kiểu Vũ “nhôm” hay không? Bộ đã có giải pháp thế nào để tránh tình trạng xuất hiện Vũ “nhôm” trong thời gian tới?” – ĐB Nhưỡng chất vấn.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay: Vũ “nhôm” có liên quan năm vụ án mà Bộ Công an đã khởi tố điều tra và đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Trong đó có liên quan đến một số tướng lĩnh công an, cụ thể hai tướng công an đã bị xử lý theo pháp luật.
Theo Bộ trưởng, việc một số người như lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm trong vụ này cũng đã xử lý, đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, xử lý những vụ liên quan đến lợi dụng chức quyền để hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện cho việc lợi dụng vi phạm pháp luật. “Đây là bài học rất đắt giá cho lực lượng công an và chắc chắn sẽ không còn tình trạng các đối tượng, tổ chức lợi dụng chức năng, quyền hạn để vi phạm” – Bộ trưởng khẳng định.
Về đường dây đánh bạc xuyên quốc gia liên quan đến một số cán bộ cấp cao ngành công an, Bộ trưởng cho biết: Vụ án trên Bộ Công an tập trung đấu tranh mất một thời gian dài. Sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát hiện một mảng của vụ án này nên Bộ Công an quyết định giao cho Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra và phá vụ án này.
“Vụ án này có liên quan đến nội bộ, đây là một bài học xương máu trong lực lượng. Nguyên nhân do cán bộ không rèn luyện, bị sự cám dỗ của đồng tiền, lợi dụng các phương tiện kỹ thuật để có sự bảo kê, liên quan đến các loại tội phạm này nhưng đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh” – ông nói và cho biết đã có biện pháp chấn chỉnh, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra.
Sau vụ án đó, Bộ Công an tiếp tục phá một số vụ án khác. Lực lượng công an đã chấn chỉnh được một bước về những vi phạm của các cán bộ trong lực lượng.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: TN
Gian lận thi cử: Không giới hạn điều tra
“Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua đã xảy ra gian lận nghiêm trọng, theo Bộ trưởng thì đây là loại tội phạm gì, có mới không? Liệu những năm trước đã có chưa, Bộ Công an có bất ngờ với loại tội phạm này không và cần làm gì để đấu tranh chống loại tội phạm thi cử một cách hiệu quả trong những kỳ thi tới?” – ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với công an địa phương khởi tố ba vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các vụ án liên quan đến những người tham gia chấm thi, quản lý bài thi, đề thi có hành vi vi phạm. “Đây là những thủ đoạn đã được phát hiện từ năm 2016” – ông nói và cho biết từ đó tới nay Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GD&ĐT để tìm đưa ra phương án chống gian lận trong kỳ thi bằng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại để phát hiện gian lận thi cử.
“Việc xảy ra sai phạm trong kỳ thi vừa rồi rất nghiêm trọng, khiến người dân mất niềm tin, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Tình trạng ăn gian, dối trá đang làm băng hoại đạo đức xã hội” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương nêu. Ông Cương cho rằng lực lượng công an được Bộ GD&ĐT mời tham gia trong quá trình thi cử nhưng sự việc tại một số địa phương cho thấy việc tham gia của lực lượng công an tại đây không giúp cho việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. “Đâu là trách nhiệm của công an địa phương trước những sai phạm trong kỳ thi vừa qua? Xin hỏi Bộ trưởng xử lý thế nào đối với lực lượng công an khi có tham gia vào kỳ thi?” – ông Cương hỏi.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay lực lượng công an tham gia nhiều khâu, phối hợp với cơ quan ngành giáo dục, từ bộ cho tới các địa phương, trường… “Cũng đã xuất hiện dấu hiệu có vi phạm của các cơ quan công an, cá nhân một số người được tham gia kỳ thi như can thiệp, móc nối với những người có trách nhiệm trong hội đồng thi, quản lý đề thi…” – ông Tô Lâm nói và khẳng định người vi phạm, kể cả trong nội bộ lực lượng công an, đều bị xử lý một cách thích đáng.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu băn khoăn của cử tri: Trong thời hạn bao lâu sẽ có kết quả điều tra, có mở rộng điều tra ra ngoài phạm vi các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình không và đặc biệt có điều tra cả những năm trước hay không?
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Thời hạn điều tra ban đầu là bốn tháng, nếu chưa xong vẫn tiếp tục làm, không thể vì áp lực nào đó mà kết thúc sớm. Về phạm vi điều tra, không phải chỉ ở ba địa phương nêu trên, nếu tiếp tục phát hiện ở những địa phương khác thì vẫn tiếp tục xử lý chứ không có giới hạn. Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra kết quả thi những năm trước, nếu phát hiện có dấu hiệu sẽ tiến hành điều tra.
“Không có giới hạn nào để điều tra hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời cũng sẽ không để lọt bất cứ người nào liên quan” – ông nói.
Theo http://plo.vn