Trong số 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cơ quan công an phát hiện, có đến 41 hồ sơ của những kẻ giang hồ cộm cán.
Thời gian qua, Công an Hà Nội nhận thấy xuất hiện hiện tượng một số đối tượng sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã trình cho cơ quan điều tra bệnh án tâm thần do một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nội cấp, nhằm trốn tránh bị xử lý hình sự.
Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh nhưng chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả. Việc này đã gây khó khăn cho cơ quan công an trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành làm rõ thực trạng này.
Ngày 9/8, trao đổi với báo Gia đình.net, Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giữ 2 đối tượng là cán bộ, nhân viên một bệnh viện tâm thần tại Hà Nội do liên quan đến việc làm giả bệnh án tâm thần cho 1 đối tượng.
Theo Zing.vn thông tin, khoảng 2 tháng trước, Lê Thanh Tùng (sinh năm 1986, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) là đối tượng cộm cán cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án Cố ý gây thương tích có tính chất thanh toán lẫn nhau đã bất ngờ xuất trình bệnh án tâm thần.
Qua quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện bệnh án tâm thần của Tùng là giả. Bệnh án này do một bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nội cung cấp. Để có bệnh án trên, với kết luận “Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”, Tùng đã bỏ ra 85 triệu đồng.
Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. (Ảnh minh họa)
Mở rộng điều tra, cơ quan công an TP. Hà Nội phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Theo đánh giá của Công an Hà Nội, việc làm trên không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng hoạt động tội phạm lộng hành, công khai mà vẫn tránh được sự trừng phạt của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Việc làm giả giấy tờ diễn ra rất phức tạp trong thực tế và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc làm giả không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội. Các ngành, các cấp và mọi người dân cần chung tay đấu tranh, ngăn chặn, tạo môi trường xã hội bình đẳng, văn minh”.
Công an Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Công an đề xuất kiến nghị với Trung ương chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xem xét quy trình cung cấp bệnh án tâm thần;…
Đề nghị nhân dân tích cực phát hiện, chủ động phản ánh, cung cấp thông tin cho Cơ quan công an về các trường hợp nghi ngờ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có bệnh án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự.