VNTL – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, các thiết bị hiện đại được đem tới để khôi phục đúng điểm gốc của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.
Nhiều câu hỏi về những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối nay.
“Việc Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm thì tới đây tiếp tục xử lý thế nào? Sở GD-ĐT Sơn La rất khó trả điểm gốc để đảm bảo công bằng, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý ra sao?.
Bộ yêu cầu 63 tỉnh rà soát, nhiều tỉnh báo cáo không có gì bất thường nhưng theo kinh nghiệm, dư luận chỗ này chỗ kia cho hay không bình thường. Nếu tới đây có bất thường thì Bộ xử lý như thế nào với các Sở GD-ĐT có vi phạm?.
Nếu năm tới vẫn tiếp tục hình thức thi này thì Bộ có giải pháp gì khắc phục tình trạng này đảm bảo công bằng?”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Trả lời các câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, về sự việc tại Sơn La, Bộ Công an, từ Cục A71 cho đến các đơn vị chức năng đang rất quyết tâm làm, mang cả các thiết bị hiện đại tới.
“Tôi tin rằng các thiết bị đó sẽ khôi phục được đúng điểm gốc. Bộ Giáo dục sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an để có phương hướng xử lý cho phù hợp.
Hiện nay vẫn chưa có kết quả. Bộ cũng đã chuẩn bị các phương án nhưng căn cứ vào kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra; đồng thời sẽ có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh”, ông Độ nói.
Vẫn theo Thứ trưởng, văn bản của Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu tất cả các địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình chấm và kết quả chấm kỳ thi này. Nếu phát hiện ra sai phạm thì yêu cầu các địa phương chủ động làm việc với công an ở các địa phương đó để trực tiếp xử lý, bảo đảm đúng người, đúng tội, bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh.
“Chúng tôi thực hiện đúng kết luận của Thủ tướng. Thủ tướng khẳng định là không có vùng cấm, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về việc xử lý các cán bộ vi phạm, theo phân cấp quản lý, các Sở Giáo dục trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Ngoài trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các cá nhân nào sai phạm, trách nhiệm rất rõ thì UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp có trách nhiệm xử lý theo luật Công chức, viên chức.
Liên quan đến kỳ thi năm sau có hướng gì khắc phục, Thứ trưởng cho hay: Bộ trưởng Giáo dục cũng đã phát biểu tại phiên họp Chính phủ – đó là sẽ rà soát lại toàn bộ các quy trình, từ khâu coi thi, chấm thi… để hoàn thiện cho phù hợp. Đồng thời, nâng cao nghiệp vụ thi, cũng như nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất của nhà giáo.
“Khi con người cố tình làm sai thì thực sự có những khó khăn”, ông Độ nói.
Bộ Giáo dục sẽ hoàn thiện phần mềm để những đối tượng có ý đồ làm xấu thì cũng khó có thể làm được. Phương thức tổ chức chấm thi, hiện chấm trắc nghiệm có thể hướng tới chấm theo cụm thi, tỉnh không tự chấm bài của tỉnh mình.
Xử lý triệt để để lấy lại lòng tin của người dân
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có dành thời gian nhấn mạnh về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH có phát sinh tiêu cực tại 1 số địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp các đơn vị liên quan điều tra xem xét xử lý đúng người, đúng tội, cương quyết xử lý triệt để, lấy lại lòng tin của người dân.
Đồng thời, giao Bộ trưởng Giáo dục rà soát lại toàn bộ các phương án, cách thức, cách chỉ đạo của thi THPT quốc gia, ngay cả giao trách nhiệm các trường ĐH, CĐ vấn đề tự chủ như nào, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng quyết định.
“Hôm nay Chính phủ không bàn và không quyết định vấn đề thi hình thức và thi như thế nào. Quan điểm của chúng ta đó là có học có thi, thi thế nào để cho thực chất, đảm bảo yêu cầu là đổi mới giáo dục toàn diện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Hôm nay Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những tiêu cực phát sinh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Theo Vietnamnet