Hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), khắp mọi miền đất nước đã có nhiều hoạt động tri ân. Riêng tại Nghệ An, Hội nhà văn Việt Nam đã có rất nhiều các hoạt động bên lề và chính thức.
Theo đó, ngoài chương trình giao lưu văn hóa về tác phẩm truyện, ký kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ và hướng đến 50 sự kiện Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) vào ngày 21/7/2018 thì Hội Nhà văn Việt Nam còn tổ chức tặng sách của tác giả Trần Huy Quang cho Hội Cựu Thanh niên xung phong các huyện, thành, thị tại Nghệ An và các thư viện trên địa bàn.
Đặc biệt, điểm nhấn của đêm giao lưu văn hóa tại chính Truông Bồn và tên sách của tác giả Trần Huy Quang có cùng tên là “Thánh ca Truông Bồn”.
Tên cuốn sách của tác giả Trần Huy Quang được biết là cảm hứng để ban tổ chức tổ chức đêm giao lưu văn hóa tại khu di tích Truông Bồn.
Không quá khó để hiểu dụng ý của nhà văn Trần Huy Quang trong sử dụng từ “thánh ca Truông Bồn’ mà không phải một từ nào đó thuần Việt và mang nhiều hơi thở của cuộc sống đời thường hơn. Bởi lẽ sự hi sinh của những người dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tại cung đường huyết mạch Truông Bồn đã hóa thành bất tử; những con người bằng da, bằng thịt ấy đã đi vào huyền thoại, làm nên chất sử thi, bi tráng của sự kiện này. Và ở một chiều kích nào đó thì sẽ không sai nếu chúng ta “tôn giáo” những người con trai, con gái ở độ tuổi đẹp nhất của đời người ấy. Họ đã lặng lẽ, bình dị góp sức mình vào nền hòa bình, độc lập hôm nay.
Tuy nhiên, trong câu chuyện đang được nói tới, để diễn ra những điều mới, vừa được chỉ ra đó thì không nhất thiết chỉ có từ “thánh ca”. Ý nghĩa, giá trị lịch sử sẽ không thay đổi, thậm chí còn đậm đặc, nhân văn mà vẫn không mất đi yếu tố đời thường nếu chúng ta dùng chữ “TRÁNG CA” thay thế.
Ở đây có thể vì tác giả – nhà văn Trần Huy Quang không muốn rơi vào trạng thái xáo mòn, nói lại từ, cách nói đã được nói nhiều trước đó. Hoặc cũng vì một lí do nào đó mà cách riêng ông không muốn sử dụng từ ‘tráng ca” và trong hành trình làm mới chính mình đó, khi có phần bế tắc nhưng ông vẫn tìm thấy sự tương đồng, gần gũi với ý nghĩa, chất liệu từ chữ “thánh ca” mà ông đưa vào tên tác phẩm của mình.
Đối với mỗi tác phẩm thơ, hay văn hay một thể loại cụ thể nào đi nữa, ngoài những điều đã được chắt lọc, được viết và đưa vào thì cái tên của tác phẩm có một ý nghĩa đặc biệt. Việc đặt tên vì thế đối với đa phần nhà văn, nhà thơ thì đó là một công việc không dễ dàng gì.
Nói như thế để thấy, tên của tác phẩm đã ít nhiều được tác giả gửi gắm vào và tất nhiên, trong đó đã gắn chặt, phản ánh đậm nét nhất suy tư của chính tác giả. Vậy nhưng, “thánh ca” bản chất và ý nghĩa nguyên bản của nó vẫn là một thuật ngữ nặng về tính tôn giáo, thuộc về tôn giáo. Trong cách dùng này với sự hi sinh của các nam, nữ thanh niên xung phong tại Truông Bồn dù không sai; nó cũng ít nhiều phản ánh được chiều kích, tầm cỡ và ý nghĩa hiện thực của sự hi sinh đó. Nó cũng làm nên tính chất bất tử của sự kiện. Song, dùng từ “thánh ca” ở một khía cạnh nào đó sẽ làm cho sự việc ra rời đời sống hiện thực và không còn mang hơi thở trực tiếp từ cuộc sống.
Và theo lẽ thường, thuật ngữ, ngôn ngữ nó phải gắn với một lĩnh vực cụ thể nào đó; nó có thể hợp với bối cảnh này nhưng chưa chắc dùng ở bối cảnh kia thì nó cũng được chấp nhận. Từ “thánh ca” trong hợp này là như thế.
“Tráng ca Truông Bồn” hay “tráng ca Đồng Lộc” vốn dĩ là một cụm từ không thể thay thế hay biến tấu bằng một cụm từ khác. Đành rằng đã là văn, là thơ thì phải cách điệu, là phải có những điều mới được đưa vào nhưng nhất thiết nó cũng phải tôn trọng cái chuẩn mực của Từ Điển nữa.
Mõ Làng