Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay tới năm 2021.
Theo đó, hàng ngàn huyện, xã sẽ thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII.
Việc khó và phức tạp
Theo đề án đang được Bộ Nội vụ xây dựng, căn cứ quy định tại Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cả nước hiện có 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện (36,33%) và 6.191/11.162 đơn vị cấp xã (55,46%) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số theo quy định sẽ phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ nay tới 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII. Cụ thể, sẽ có 199 huyện, 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã (đơn vị hành chính cấp huyện) cùng với 5.106 xã, 794 phường và 291 thị trấn (đơn vị hành chính cấp xã) thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Bộ Nội vụ cho rằng nguyên tắc của việc sáp nhập là công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri địa phương, thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Trong đó, ưu tiên sáp nhập nguyên trạng các huyện, xã không đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề. Trong trường hợp đặc biệt, liên quan các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, điều kiện địa lý tự nhiên thì có thể điều chỉnh, chia tách để sáp nhập vào các đơn vị hành chính cùng cấp khác nhằm bảo đảm đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập không nhất thiết phải đạt đủ tiêu chuẩn nhưng phải đạt trên 50% các tiêu chuẩn về diện tích và dân số.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng là đến năm 2021 sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số và diện tích. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận đây là một việc khó và phức tạp vì số lượng các huyện, xã phải sắp xếp sáp nhập là rất lớn. Bên cạnh đó, một khó khăn khác là bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức viên chức tại nơi sắp xếp, sáp nhập. “Đội ngũ cán bộ công chức đang làm việc ở 2 đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện mà sáp nhập làm 1 thì việc quản lý biên chế ra sao, giải quyết chế độ chính sách như thế nào? Đây là câu chuyện nan giải cần phải giải quyết trong đề án”, Thứ trưởng Nội vụ đặt vấn đề.
Máy móc là nguy hiểm
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng diện tích tự nhiên và quy mô dân số chỉ là 2 trong số 6 yếu tố cơ bản cấu thành của một đơn vị hành chính, do đó, việc sắp xếp phải tiếp cận từ thực tiễn khách quan, khoa học và tính đến yếu tố lịch sử, văn hóa chứ không thể máy móc. “Nếu máy móc là nguy hiểm”, ông Thắng lưu ý và cho rằng, việc sắp xếp các huyện, xã gắn với địa giới hành chính, khác với sắp xếp các sở, ban ngành nên cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng 2 tiêu chí được quy định trong nghị quyết của UBTVQH chỉ mới dừng lại ở diện tích và quy mô dân số mà chưa tính đến phong tục, tập quán, văn hóa và rất nhiều yếu tố ràng buộc khác từ địa lý tự nhiên, địa chính trị, địa văn hóa… Ông Dĩnh cho rằng, mục tiêu của việc sáp nhập đang được tính toán theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, quan trọng là việc sáp nhập, sắp xếp phải hướng tới hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển, ổn định của xã hội.
“Chúng ta đã có rất nhiều bài học về việc tách nhập từ cấp tỉnh, huyện cho tới xã. Trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm chúng ta lại có thêm 10 huyện và 50 xã được tách ra và thực tế đang để lại nhiều hạn chế như bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, nguồn lực phân tán. Bây giờ lại nhập trở lại càng phải tính toán tới mục tiêu, nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác, khó giải quyết hết được”, ông Dĩnh kiến nghị.
Các địa phương kêu khó
Tại các hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án được Bộ Nội vụ tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong những ngày qua, các địa phương đã nêu ra nhiều thực tế khó khăn nếu việc sáp nhập, sắp xếp chỉ căn cứ vào tiêu chí diện tích và dân số tại Nghị định 1211 của UBTVQH. Ông Vũ Bá Rồng, Phó giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh, cho biết theo quy định của Nghị quyết 1211 thì 100% đơn vị hành chính cấp huyện và xã của Bắc Ninh không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, sẽ phải sắp xếp trong khi hiệu quả quản lý, hoạt động đang rất tốt. Do đó, ông Rồng cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí của Nghị quyết 1211 thì sẽ dẫn tới sự xáo trộn rất lớn của các địa phương trong cả nước.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm thì cho biết, theo nghị quyết thì tiêu chuẩn của một phường là 5,5 km2 trong khi ở TP.HCM có quận chỉ có 5 km2. Do đó, để đạt trên 50% diện tích tiêu chuẩn, TP.HCM sẽ phải sắp xếp hơn một nửa quận để đạt diện tích của một phường. Như vậy, mỗi quận sẽ chỉ còn 2 phường với mỗi phường có trên 100.000 hộ dân, cao gấp hơn 10 lần so với tiêu chuẩn.
|
Theo Thanhnien