Những học sinh dùng tiền mua điểm, nhờ gian lận thi cử mà có điểm số cao, thành tích vượt trội sẽ dễ có thói quen dùng tiền để đạt được mục đích.
Không phải đến khi phát hiện gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang chúng ta mới có chuyện gian lận trong thi cử. Vấn nạn này đã từ lâu ăn sâu, bám rễ trong ngành giáo dục, trong hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các kỳ thi, kể cả những kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng đã có những điều tiếng về sự thiếu minh bạch, không công bằng…
Có lẽ, tất cả chúng ta, ai đã từng cắp sách tới trường cũng đã ít nhất một lần được nghe câu hát: “Ai nâng cánh ước mơ cho em – là thầy cô không quản ngày đêm; Ai dạy dỗ chúng em nên người – là thầy cô ghi nhớ suốt đời”… Câu hát ấy đã toát lên công lao trời biển của những người làm thầy, làm cô với tương lai của mỗi con người, đồng thời với nền tảng đạo đức, tri thức của xã hội.
Thầy giáo không công minh, chính trực, không công bằng trong cách đánh giá học sinh…chắc chắn sẽ khiến trò bất bình, không kính trọng, dễ nảy sinh những hành động xấu trong môi trường sư phạm.
Sự dối trá triệt tiêu tinh thần phấn đấu, rèn luyện, cơ hội của các học sinh giỏi thực lực. Bởi, thành tích học tập là một trong những yếu tố khích lệ tinh thần học tập của các em. Nếu phải đối mặt với quá nhiều tiêu cực thì dễ nảy sinh các tâm lý tiêu cực, chán chường.
Điều quan trọng hơn cả những gian lận, dối trá này khiến cho niềm tin của xã hội bị lung lay, chao đảo vô cùng tận. Chưa bao giờ cả xã hội lại sôi sục, nghi ngờ về những kết quả thi cử như bây giờ. Nhiều người còn mong muốn chấm lại hết những bài thi đạt điểm 9-10 ở kỳ thi trước đó và năm nay.
“Một sự bất tín vạn sự bất tin” – những gì xảy ra ở Hà Giang hôm nay dư luận xã hội chỉ coi như một giọt nước làm tràn ly; là “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”… Những điều tiếng của Hà Giang hôm nay còn khiến những người Hà Giang chân chính bị ảnh hưởng, bị xấu hổ lây. Nó làm vấy bẩn những cố gắng của biết bao thầy cô, học sinh và cha mẹ các em khi phải lặn lội trong mưa lũ để đến điểm thi được đúng giờ.
Bố mẹ dối trá dùng tiền mua điểm cho con, thầy cô dùng thủ đoạn để làm điểm đẹp, học sinh sống trong một môi trường toàn dối trá, lọc lừa như vậy liệu có trở thành công dân tốt? Bản thân các em bây giờ đang là nạn nhân nhưng sau vài năm nữa khi các em trưởng thành sẽ áp dụng cách làm của người đi trước để đạt được mục tiêu dễ dàng nhất.
Những học sinh nhờ tiền, nhờ quan hệ trở thành sinh viên và sau này có nhiều cơ hội trở thành cán bộ trong các cơ quan Nhà nước, họ sẽ làm gì? Chắc chắn thước đo của họ không phải là chất lượng, hiệu quả công việc mà bằng tiền. Đây chính là gốc rễ, mầm mống của những kẻ chuyên sách nhiễu, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp.
Phát hiện sai phạm thi cử ở Hà Giang thực sự gây chấn động nhưng đây là cơ hội để ngành giáo dục làm tiếp, làm mạnh với những tiêu cực tồn tại lâu nay trong ngành, khiến xã hội mất thiện cảm, niềm tin, sự kính trọng.
Giáo dục là quốc sách, có vai trò quan trọng góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, xã hội; chất lượng nguồn nhân lực. Một nền giáo dục mà ở đó điểm số có vai trò quyết định cho những bước ngoặt cuộc đời mỗi con người nhưng lại được mua bán, trao đổi bằng tiền, bằng quan hệ thì khó có được học sinh, sinh viên có tố chất, năng lực, là lực lượng kế tục xứng đáng để xây dựng đất nước.
Ngành giáo dục có vô vàn các đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục… Để đạt được các mục tiêu trong các “đổi mới” thì trước tiên phải làm trong sạch chính đội ngũ các thầy cô, những người làm công tác giáo dục. Bởi dù có đổi mới, có thêm bớt kỳ thi hay thay đổi cách thức thi…mà những người thực thi không công tâm, minh bạch, luôn nghĩ cách trí trá, làm lợi cho bản thân, cho những nhóm lợi ích thì sẽ không có đề án nào thành công, không có công cụ máy móc nào sàng lọc hết được sự dối trá của con người./.
An Nhi/VOV.VN