Văn học, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Vì thế, nhận diện và tăng cường đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực nhạy cảm này là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay.
Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức sâu sắc điều đó nên trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, văn học, nghệ thuật của nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng – lý luận của Đảng, vì thế, văn học, nghệ thuật cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Chúng xác định đây là “mũi đột phá”, “thọc sâu”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê, hiện nay, các tổ chức ở nước ngoài đang sử dụng hàng chục đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, gần 400 ấn phẩm báo chí, hơn 420 website để đưa một số lượng lớn tài liệu, sách, báo, sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, cổ súy, truyền bá tư tưởng thù địch, phản động vào nước ta. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế, nên sự chống phá của chúng thông qua lĩnh vực này cũng rất xảo quyệt, tinh vi. Việc nhận diện chúng là không dễ, vì nó ẩn khuất trong những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, “những sự kiện có thật”, đánh vào thị hiếu của con người; thường biểu hiện ở những vấn đề sau:
Tập trung xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng thông qua việc truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đáng quan tâm là, một số kẻ cố tình xuyên tạc, đòi “xét lại” cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, theo họ là “trung thực hơn” với nguồn tư liệu phong phú từ hai phía. Trong đó, có những tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến; từ đó, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, rằng: “đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc. Các tác phẩm phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, “Sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”, v.v. Đồng thời, chúng tán đồng, cổ vũ quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đối lập văn nghệ với chính trị. Thông qua những tác phẩm văn học – nghệ thuật, chúng thổi phồng những sai lầm của Đảng, Nhà nước và một số cá nhân trong các sự kiện, như: cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953 – 1956); cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975; đi sâu khai thác đời tư một số lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, v.v. Qua đó, tuyên truyền xuyên tạc, làm dao động tư tưởng, lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào Đảng và chế độ.
Bên cạnh đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang nặng tính thị trường, tô đậm mặt trái, tiêu cực của cuộc sống hiện tại; đi sâu kể lể những tiêu cực trong xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường, phim truyện trinh thám, hình sự với những tình huống li kì, rùng rợn, tình yêu dễ dãi, v.v. Trong lĩnh vực ca nhạc, có xu hướng nhấn mạnh sự hưởng thụ, bi lụy, mất mát, chia ly trong tình yêu; một số chương trình ca nhạc mang nặng tính giải trí mà “quên” các chức năng về nâng cao nhận thức chính trị, thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân. Trong hội họa, mỹ thuật, nội dung một số tác phẩm không quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, ít quan tâm đến ý nghĩa chính trị, chú trọng quá mức đến tính thương mại, v.v. Qua đó cho thấy, những quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật diễn ra hết sức phức tạp, hình thức tinh vi, tác động hằng ngày, hằng giờ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân.
Để đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị cao đẹp của văn học, nghệ thuật cách mạng, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Khoản 2, Điều 60 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật”1. Đó là cơ sở pháp lý, định hướng quan trọng để phát triển văn học, nghệ thuật của nước ta trong thời gian tới. Trước mắt, cần tổ chức tốt việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; giữ vững định hướng chính trị trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, hướng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chống mọi biểu hiện thương mại hóa, phi chính trị trong các hoạt động văn học, nghệ thuật. Tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định trong hệ thống luật pháp và các chính sách đối với văn nghệ sĩ và lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Thường xuyên kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại ấn phẩm, văn hoá phẩm xấu độc từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.
Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, cần tiếp tục đổi mới cả về chương trình, nội dung và hình thức; cả về chuyên môn và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng cần chú trọng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của văn học, nghệ thuật cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng như việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ. Hiện nay, kinh tế thị trường đã tạo ra một số lượng khá đông văn nghệ sĩ tự do. Vì thế, cần tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các hội văn học, nghệ thuật trong công tác quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này để họ xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn học, nghệ thuật như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”2. Mặt khác, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học tập đường lối, chủ trương của Đảng; không ngừng nâng cao ý thức chính trị, sự tỉnh táo, biết tự vệ, biết phân biệt đúng, sai, dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Mỗi khi sáng tác, văn nghệ sĩ cần tự hỏi: sáng tác cho ai? Sáng tác để làm gì? Và sáng tác như thế nào? v.v.
Ba là, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Cần tiếp tục tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng,… để họ hăng say sáng tạo. Nhà nước bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo mọi điều kiện cho văn nghệ sĩ thể hiện tài năng, nhưng văn nghệ sĩ phải thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; khuyến khích, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia hoạt động văn học, nghệ thuật để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, tài năng, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ.
Bốn là, nâng cao trình độ nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Đối tượng chống phá trực tiếp của các thế lực thù địch rất rộng, bao gồm cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong khi đó, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn, “văn hóa đọc” chưa được coi trọng đúng mức, v.v. Vì thế, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng trong việc truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, khơi dậy giá trị nhân văn trong cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn học, nghệ thuật ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân được hưởng thụ những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, tính thẩm mỹ cao. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, tạo ra sức tự đề kháng cho quần chúng nhân dân trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế phối hợp trong hoạt động văn học, nghệ thuật; chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch và tư tưởng, tâm trạng của các đối tượng trong xã hội để kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, biện pháp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hoá, truyền thông ở cơ sở, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật đúng hướng, mang đậm tính nhân dân, tính dân tộc.
Năm là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thì lĩnh vực văn học, nghệ thuật càng có điều kiện để mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế. Việc mở rộng giao lưu văn học, nghệ thuật với các nước phải toàn diện cả việc giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải chủ động, có chọn lọc. Một mặt, cần tích cực vạch mặt và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, phát hiện và đưa ra công luận những biểu hiện móc nối, liên kết giữa lực lượng trong nước và ngoài nước để sáng tác, xuất bản, quảng bá các tác phẩm có nội dung chống phá cách mạng và gây tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với lớp trẻ.
Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một bộ phận của đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với phát huy vai trò, sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực này.
Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG – Đại tá, TS. PHAN SỸ THANH (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)