Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách nhân đạo cho hai đối tượng bị tuyên án về tội danh ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân’ đi tị nạn ở Đức.
Theo thông báo, tối qua ngày 07/6/2018 tại trại giam B14, hai đối tượng Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà cùng bị truy tố và xét xử về tội danh ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ được hưởng chính sách nhân đạo và được phía Đức tiếp nhận tị nạn đã lên đường đi Đức tị nạn tại cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài. Dự kiến vào lúc 11 giờ trưa nay (giờ Việt Nam) ngày 8/6/2018 hai đối tượng này sẽ xuống sân bay tại Đức (sân bay Tegel của thủ đô Berlin).
Ba bị cáo: Phạm Văn Trội (trái), lNguyễn Văn Đài (giữa) và Nguyễn Trung Tôn (phải). Thành Nam
Bị cáo Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1969, trú tại khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hình sự sơ thẩm và tuyên án vào ngày 5/4/2018 với mức án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Bị cáo Lê Thu Hà (sinh năm 1982, trú tại phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).9 năm tù giam và 2 năm quản chế.
Cả hai bị cáo Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà không kháng cáo, còn lại 04 bị cáo là bị cáo Phạm Văn Trội, bị cáo Nguyễn Trung Tôn, bị cáo Nguyễn Bắc Truyền và bị cáo Trương Minh Đức cùng trong vụ án với Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà thì kháng cáo và bản án hình sự do Tòa án cấp cao tại Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên án ngày 4/6 đã tuyên y án.
Vì sao hai bị cáo Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà không kháng cáo ? Có lẽ họ đã biết được ‘chiếc vé’ chắc chắn đi tị nạn tại Đức nên không kháng cáo để chờ đến ngày được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
Bị cáo Nguyễn Bắc Truyển (nam áo đen) và bị cáo Lê Thu Hà (Ảnh Thành Nam)
Chính sách nhân đạo là một chính sách mang đậm chất nhân văn của Nhà nước Việt Nam thể hiện rõ bản chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhưng theo chúng tôi việc áp dụng chính sách nhân đạo chỉ nên đối với từng đối tượng tội phạm cụ thể mà không thế áp dụng cho tất cả các tội phạm nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Bởi lẽ, chúng ta càng thực hiện chính sách nhân đạo với loại tội phạm này thì càng làm cho những kẻ muốn đi tị nạn ở nước ngoài sẽ phải chống phá Nhà nước-tức là phải xâm phạm an ninh quốc gia. Mặt khác, những kẻ chống phá này khi đi tị nạn càng có cơ hội và điều kiện để quay lại chống phá Nhà nước, nhân dân Việt Nam.
Về mặt thực tế, thân xác Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà có thể đã thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật Việt Nam nhưng trong lòng người dân Việt Nam sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho những kẻ chống lại dân tộc mình, quê hương mình và đồng bào của mình-đó là biện pháp trừng phạt về tinh thần của người dân Việt Nam.
Với những mong muốn trên chúng tôi đề nghị Nhà nước xem xét lại về chính sách nhân đạo này và không áp dụng chính sách nhân đạo đối với những tội phạm xâm phạm về an ninh quốc gia và chương các tội danh về chống loài người.
Thành Nam (ĐTDC)