Vấn đề nhân quyền luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm mà nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện cảm với Việt Nam lấy làm cái cớ để đưa ra những tuyên bố hoặc để xuyên tạc sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Mới đây, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động đã có bài phỏng vấn đối với đài RFA nhân sự kiện đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 22 hôm 17/5/2018 tại Washington DC tiếp tục thể hiện luận điệu này.
Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, vị quan chức chính quyền Mỹ này đưa ra những luận điệu hết sức phi lý và vu cáo một cách trắng trợn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam với hai nội dung chính đó là phía Mỹ luôn “quan ngại” về tình hình nhân quyền Việt Nam khi chính quyền Việt Nam liên tục có những “đàn áp” đối với người “bất đồng chính kiến” và phía Mỹ có yêu cầu đề nghị Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền cũng như trả tự do ngay lập tức các “nhà bất đồng chính kiến”, cụ thể là: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Hội Anh em dân chủ. Tuy nhiên, qua bài phỏng vấn này cho thấy:
Một là, những nội dung trong bài phát biểu của ông Scott Busby đề cập đều là những cái nhìn chủ quan, phiến diện, không có cơ sở khoa học và thực tế về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên có những phát ngôn hay những đánh giá về tình hình nhân quyền Việt Nam như vậy. Trong các báo cáo nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luôn có những nhận định thiếu khách quan như vậy. Phía Mỹ đã luôn sử dụng những đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật làm một dẫn chứng và đồng thời ra sức bênh vực cho những kẻ phá hoại đó.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như luật pháp quốc gia. Vì vậy, những nội dung cáo buộc về tình hình nhân quyền mà Mỹ đưa ra chỉ là sự xuyên tạc nhằm thực hiện những mưu đồ chính trị phục vụ lợi ích của Mỹ.
Hai là, về phía Việt Nam, tình hình nhân quyền Việt Nam luôn được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực hiện trong thực tế. Tình hình nhân quyền Việt Nam trong thời gian vừa qua càng ngày càng được cải thiện được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận một cách khá đầy đủ với 36 điều luật. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm duy trì trật tự xã hội, phù hợp với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những kẻ cố tình vi phạm, cố tình lợi dụng các quyền này để thực hiện việc chống phá nhà nước, đi ngược lại với lợi ích dân tộc thì bị pháp luật xử lý, tùy theo tính chất, mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Việc xử lý này, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật quy định, không chịu sự tác động từ bất kỳ yếu tố bên ngoài nào.
Ba là, Mỹ không có quyền đánh giá cũng như can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Bởi lẽ, xét về góc độ chủ thể trong quan hệ quốc tế thì Việt Nam và Mỹ đều là những quốc gia có chủ quyền riêng và bình đẳng nhau. Trong khi đó, nguyên tắc của quan hệ quốc tế là không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chính vì vậy, việc ông Scott Busby yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những đối tượng phạm tội liên quan đến “nhân quyền” đã đi ngược lại nguyên tắc ngoại giao trong quan hệ quốc tế. Và đương nhiên, Việt Nam cũng sẽ chẳng bao giờ chấp nhận những hành động ngang ngược đó của Mỹ.
Vì vậy, cần phải có cái nhìn đúng đắn, khách quan về nhân quyền và phát ngôn theo đúng tinh thần của pháp luật quốc tế mới có thể khiến cho người ta tâm phục khẩu phục được.
Công Mẫn