Dư luận bức xúc khi xảy ra tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm, như vụ đánh bạc xảy ra ở C50, nên cần xử lý nghiêm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Phát biểu thảo luận tại tổ sáng nay, 22.5, về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định vấn đề tội phạm đang xảy ra phức tạp.
“Dư luận bức xúc khi xảy ra tội phạm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm, như vụ đánh bạc xảy ra ở C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – PV) đã cho thấy đánh bạc nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho nên cần xử lý nghiêm. Ở câu chuyện này có 2 luồng dư luận, một luồng hoan nghênh đã cương quyết xử lý nghiêm, còn một luồng thì lo lắng tội phạm lại xảy ra ở đó”, bà Nga phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở mầm non tư thục xảy ra thường xuyên, “gần như tháng nào cũng có, như hôm qua (21.5) xảy ra ở Đà Nẵng, nhất là các cơ sở trông giữ con cho công nhân tại các khu công nghiệp”.
“Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội phải vào cuộc chấm dứt tình trạng này. Tại sao tình trạng này diễn ra một thời gian dài mà không chấm dứt được?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Không khuyến khích người dân tay không bắt cướp
Ngay sau phát biểu của bà Nga, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: Liên quan đến những vụ vì nghi bắt cóc trẻ em nên đã xảy ra đánh người, có nơi còn kéo theo 500 người đến đánh, câu chuyện này là như thế nào, là tự ý bắt người, tự ý hành hung là do bột phát hay do cách hành xử chưa tốt?
Trước ý kiến này của ông Hiển, bà Lê Thị Nga cho rằng: “Sau các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trong thời gian qua thì hiện người dân, gia đình nào cũng khá cảnh giác, cho nên mọi người cần làm quen với việc đi ra ngoài đường không âu yếm trẻ em, nếu không gia đình sẽ có phản ứng thái quá, nghi bắt cóc. Đúng là việc hành hung là sai pháp luật, nhưng cần giáo dục cho người dân hiểu thói quen văn hóa ứng xử, không quen biết thì không nên âu yếm trẻ em”.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ lo ngại cho rằng nếu như vậy thì khi thấy trẻ em bị lạc, người dân sẽ lại né tránh, không ai dám giúp đỡ, như nhiều trường hợp thấy người bị tại nạn giao thông mà không giúp đỡ, liệu có trở thành xã hội vô cảm hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Theo luật, khi gặp tai nạn giao thông phải dừng lại cấp cứu, nhưng có trường hợp bị oan gia nên pháp luật phải phân định rõ ràng. Việc dắt cháu bé bị lạc vào đồn công an khác với việc bị bố mẹ phản ứng. Các hành vi tự xử của người dân là pháp luật cấm, như vụ đánh chết người trộm chó do nhiều người dân trong làng bị mất chó nên cả làng phản ứng. Trong vấn đề trên, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, vì chúng ta có hệ thống chính trị tới tận cơ sở. Chúng ta xây nhà mà để đống cát ra ngoài chỉ 30 phút là có người đến ngay. Cho nên, vấn đề là làm không hết trách nhiệm thôi”.
“Ở đây có chuyện có khuyến khích người dân tự bắt cướp hay không? Cá nhân tôi trân trọng những người làm việc nghĩa, nhưng nhà nước cũng phải có thái độ. Ngay công an xã giao nhiều quyền hạn nhưng không được đào tạo và trang bị thiết bị, nên rất khó trong làm nhiệm vụ, có thể hi sinh hay bị lạm quyền. Chúng ta khuyến khích người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm chứ không khuyến khích người dân tay không bắt cướp”, bà Nga bày tỏ.
Vũ Hân (Thanh niên)