VNTL – Liên quan đến vụ việc nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in “đường lưỡi bò” phi pháp đến Nha Trang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay (17/5), bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
“Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hằng, báo chí Việt Nam đã thông tin đầy đủ các thông tin của vụ việc nhóm du khách mặc áo in “đường lưỡi bò” phi pháp đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang – Khánh Hòa) và biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in “đường lưỡi bò” phi pháp xuống sân bay Cam Ranh
Như đã đưa tin, tối 13/5, Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh khi làm thủ tục nhập cảnh, phát hiện nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ nước này kèm “đường lưỡi bò” chín đoạn trên Biển Đông, bao trùm các đảo, biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước lân cận.
Đoàn khách đến từ Tây An (Trung Quốc) đến sân bay quốc tế Cam Ranh có 40 người, trong đó xác định ban đầu có khoảng 14 người mặc áo in “hình lưỡi bò” trái phép. Khi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm khách này khai nhận đã mua áo ở chợ Trung Quốc.
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết đối với “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông và gửi thông báo cho các nước có liên quan, quốc gia quan sát viên.
Tòa trọng tài tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. PCA cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong quý 1/2018, khách Trung Quốc đến Nha Trang đạt hơn 460.000 khách, chiếm 62%. Du khách Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường khách quốc tế đến Nha Trang trong nhiều năm qua.
Mậu Lê