Tuần qua, thế giới đã được chứng kiến một biểu tượng mà khiến cho “dòng lệ được kích hoạt” khi cảnh 2 nhà lãnh đạo Bắc Hàn và Nam Hàn ôm nhau trên giới tuyến.
Họ trồng cây hòa bình, họ nhắc nhở nhau rằng “mình cùng dòng máu” và họ thỏa thuận sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa 2 miền trong cuối năm nay để mở đầu cho sự thống nhất toàn vẹn bán đảo Triều Tiên…
AI CHO HÒA BÌNH?
Về mặt công khai, CHDCND Triều Tiên (TT) là một quốc gia có chủ quyền, có chính sách đối ngoại độc lập.
Biểu hiện công khai là TT không có quân đội nước ngoài trên lãnh thổ, TT có quân đội riêng mà có thể ra bất kỳ mệnh lệnh nào cho quân đội mình và đặc biệt, họ đã thành công khi sở hữu được vũ khí hạt nhân, bất chấp Mỹ, Trung Quốc đe dọa, cấm vận hà khắc nhất có thể có…
Nhưng nếu ai đó nói rằng, TT không phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt chính trị, quân sự, kinh tế…là thiếu thực tế, mặc dù Trung Quốc đã bất lực trước việc TT liên tục thử VKHN, buộc phải cấm vận TT dưới sức ép của Mỹ và LHQ.
Về mặt công khai, Hàn Quốc (HQ) đang có vấn đề lớn về “quyền tự quyết” của mình trong chiến tranh hay hòa bình với TT.
Biểu hiện công khai, Hiệp định đình chiến tháng 7/1953 chỉ được ký bởi Mỹ và Triều Tiên mà không có Hàn Quốc.
Riêng với Hàn Quốc, Mỹ đã có một Hiệp định về “Kiểm soát hoạt động” (OPCON) theo đó, thành lập Bộ chỉ huy lực lượng kết hợp Mỹ- Hàn. Tư lệnh lực lượng kết hợp Mỹ- Hàn do một tướng Mỹ được chỉ định bởi Tổng thống Hoa Kỳ.
Thực tế là Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cũng là Tư lệnh lực lượng kết hợp Mỹ- Hàn, chỉ huy một đội quân gồm 28.500 quân Mỹ và hơn 600.000 quân HQ cùng các phương tiện trang bị đôi bên.
Do vậy, “trong trường hợp xung đột” tất cả các lực lượng HQ sẽ dưới sự chỉ huy của một vị tướng Mỹ, là Tư lệnh lực lượng kết hợp Mỹ- Hàn chứ không phải dưới sự chỉ huy của Tổng thống và Tổng tư lệnh HQ.
Kể từ tháng 10/1953 sau khi ký thỏa thuận “Kiểm soát hoạt động” thì Mỹ kiểm soát, chỉ huy quân đội Hàn Quốc không chỉ trong trường hợp xảy ra xung đột mà trong cả thời bình.
Thời Tổng thống Roh Moo-hyun, một tổng thống có tư tưởng dân tộc đã yêu cầu Hoa Kỳ từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động của mình đối với các lực lượng Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh, nhưng bất thành vì Mỹ không chấp nhận.
Và, may mắn thay, quyền kiểm soát thời bình đã chỉ được trả lại cho Hàn Quốc vào năm 1994, nhưng, rủi thay, điều này không có ý nghĩa, vì giữa Hàn Quốc và Triều Tiên luôn trong trạng thái chiến tranh (chỉ mới đình chiến) mà chưa bao giờ có trạng thái thời bình.
Đáng tiếc là chính phủ Tổng thống Park Geun-hye đã tiếp tục đồng ý gia hạn thỏa thuận OPCON (Kiểm soát hoạt động) “cho đến giữa những năm 2025”…Điều đó có nghĩa là khi chưa có hòa bình cho 2 miền thì quân đội Hàn Quốc vẫn thuộc chỉ huy của Mỹ.
Như vậy, nếu ai đó nói rằng Hàn Quốc quyết định chiến tranh hay hòa bình với Triều Tiên mà không cần được phép của Mỹ là hoang tưởng.
Con đường để đạt được Hiệp ước Hòa bình giữa Nam- Bắc Triều Tiên thuận lợi cho việc thống nhất, đòi hỏi việc bãi bỏ Bộ chỉ huy lực lượng kết hợp Mỹ- Hàn và hủy bỏ OPCON (Kiểm soát hoạt động) mà tồn tại như một “vòng kim cô” trên đầu Hàn Quốc.
Liệu Bắc và Nam Triều Tiên có thể ký thỏa thuận hòa bình song phương mà bỏ quên Hiệp định đình chiến 1953, điều đó có nghĩa là Hàn Quốc tự tay xé bỏ OPCON với Mỹ? Có nghĩa là quyền chỉ huy quân đội HQ được Mỹ trả lại cho Tổng thống HQ và Bộ Tham mưu của ông ta?
Mỹ sẽ không chấp nhận. Mỹ không chấp nhận hủy bỏ Hiệp đình đình chiến 1953, Mỹ không muốn có một hiệp ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh giữa 2 miền Triều Tiên.
Bởi đơn giản là Mỹ không muốn tự mình cắt chức Tư lệnh lực lượng kết hợp US-ROK (CFC), có nghĩa là Mỹ sẽ không bao giờ muốn quyền bá chủ Đông Bắc Á của mình bị xâm hại, bị suy yếu.
CHỜ ĐỢI GÌ TỪ CUỘC GẶP TRUMP – KIM???
Trong thỏa thuận được ký kết giữa Kim và Moon có một điểm quan trọng nhất, có tính then chốt nhất là “phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”.
Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên có nghĩa là ngoài việc Triều Tiên phải giải giáp VKHN thì Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Hàn Quốc cũng như cấm tất cả các vũ khí, phương tiện hạt nhân xuất hiện trên bán đảo…thì điều này sẽ quyết định trong cuộc gặp Trump – Kim sắp tới…
Nhưng, sau cuộc gặp Kim – Moon thì Moon đã dội gáo nước lạnh vào hy vọng hòa bình của người dân Triều Tiên, rằng: “Quân đội Mỹ vẫn sẽ đồn trú tại Hàn Quốc bất chấp kết quả thỏa thuận đàm phán hòa bình của 2 miền…”
Trước khi cuộc gặp xảy ra, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, đã đề xuất cho Trump một lời khinh miệt đối với Kim:“Hãy cho chúng tôi biết những cảng nào Mỹ cập tàu, những sân bay nào Mỹ cho máy bay hạ cánh để tải vũ khí hạt nhân của bạn” (Fox New).
Vậy thì hòa bình theo kiểu gì nếu như 28.500 quân Mỹ vẫn đang đe dọa an ninh Triều Tiên? Hay là hòa bình theo kiểu Triều Tiên giải giáp hết vũ khí hạt nhân và đầu hàng Mỹ-Hàn Quốc?
Quả thật, với tình thế đàm phán này thì Kim Jong-un hoặc là như Saddam, Cadafi, nghĩa là sau khi giao nộp vũ khí hạt nhân cho Mỹ thì Mỹ sẽ treo cổ hoặc như là Gorbachev, nghĩa là làm tan rã Triều Tiên…
Có một tình tiết chú ý trong cuộc gặp Kim – Moon, đó là Tư lệnh và Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên chào Moon theo lối nhà binh, nhưng Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thì bắt tay Kim…
Hành vi này được hãng thông tấn Yonhap-HQ bình luận: “Đây là hành vi chứng tỏ quân đội Triều Tiên đang cảnh giác và căm thù quân đội chúng ta”.
Có vẻ như bình luận của Yonhap là đúng vì quân đội Hàn Quốc đang ở trong tình trạng đang chiến tranh nên bị sự chỉ huy của viên tướng Mỹ.
Ngọc Thống (Tre làng)