Saturday, November 23, 2024

Hàng loạt hồ sơ GS, PGS “gian dối”: Các hội đồng xét duyệt không thể vô can

Chỉ đến khi Thanh tra Bộ GDĐT vào cuộc, hàng loạt điểm “chưa chuẩn xác” trong hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS của các ứng viên mới được phát hiện. Sẵn sàng gian dối, đánh đổi cả danh dự, uy tín của nhà khoa học để mong có được chức danh làm đẹp lý lịch, liệu có đáng?

Có hiện tượng “khai gian” hồ sơ

Đến ngày 4.4, những ai được, ai không được công nhận đạt chuẩn GS, PGS trên chuyến tàu cuối mang “số hiệu 174” đã rõ. Trong “chuyến tàu vét” này rơi lại 41 hồ sơ, bị tổ công tác của Bộ GDĐT kết luận là “hồ sơ chưa chuẩn xác” hoặc ứng viên có đơn xin rút.

Nếu Thủ tướng Chính phủ không có chỉ đạo rà soát lại, Thanh tra không vào cuộc, thì những ứng viên chưa đạt chuẩn này nghiễm nhiên được công nhận, vì đã “qua cửa” cả 3 hội đồng chức danh, từ cấp cơ sở, ngành/liên ngành, đến cấp nhà nước.

Điều đáng buồn nhất là có một số ứng viên đã khai hồ sơ không chuẩn xác, không muốn nói là “gian dối” trong cuộc chạy đua để mong có được chức danh. Đối với một nhà khoa học, điều này là khó chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, trong số 41 ứng viên GS, PGS không đủ tiêu chuẩn công nhận, có nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lý hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác… Hay theo quy định, GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ ĐH trở lên, có ứng viên chỉ dạy chương trình bồi dưỡng, hay cao đẳng, nhưng vẫn kê khai vào hồ sơ; giáo trình chưa được hiệu trưởng ký nhận đưa vào sử dụng vẫn khai để được tính điểm cộng…

Đặc biệt, một số ứng viên còn dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012 – 2013 – 2014 để tính vào thời điểm cuối năm 2017, nhằm “qua mặt” các thành viên của hội đồng xét duyệt.

Đó là đoàn công tác chỉ xem xét về mặt thủ tục hồ sơ chứ không xét về chuyên môn (công trình nghiên cứu khoa học), vậy mà đã phát hiện ra nhiều sai sót như vậy.

Những ai sai sót, cố tình hay vô ý, hiện chưa được Thanh tra Bộ GDĐT công bố cụ thể, vì nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của không chỉ cá nhân, mà còn là tập thể, đơn vị nơi ứng viên công tác. Nhất là 41 hồ sơ không được công nhận đợt này có không ít người là quan chức.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo Khoản 4 Điều 12 Thông tư 16/2009/TT-BGDĐT quy định chi tiết về việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, có quy định ứng viên phải tự chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ và phải cam đoan về việc khai báo trung thực, chính xác.

Theo TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học), đối với những hồ sơ không đạt chuẩn sau đợt rà soát, lỗi trước tiên thuộc về ứng viên đã không trung thực, chưa kiểm tra kỹ tính xác thực trong hồ sơ của mình. Tiếp đó là trách nhiệm của hội đồng 3 cấp đã thẩm tra hồ sơ không kỹ, chứ không thể vô can.

Tuy nhiên, khi “việc đã vỡ lở” việc quy trách nhiệm cho ai rất khó, bởi “người ta có nhiều lý do để trốn tránh trách nhiệm, hoặc đổ lỗi cho nhau”. Vấn đề là Thanh tra có quyết tâm truy đến cùng hay không? Có quyết tâm lấy lại uy tín, danh dự cho các nhà khoa học chân chính hay không?

TS Khuyến khẳng định: Nếu không kiên quyết, sẽ dẫn đến hệ lụy là “đội ngũ GS, PGS vàng thau lẫn lộn”. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của một nền khoa học, chứ không dừng ở danh dự của một cá nhân.

Theo Laodong.vn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG