Sau khi phát hiện Facebook có quyền truy cập mọi cuộc gọi và văn bản cá nhân, làn sóng tẩy chay mạng xã hội này ngày càng lan rộng.
Vụ bê bối Cambridge Analytica vẫn đang tiếp diễn khiến Facbook rơi vào tình cảnh khó khăn. Sau vụ rò rỉ thông tin cá nhân, người dùng mạng xã hội này ngày càng muốn tìm hiểu sự bảo mật tài khoản Facebook cá nhân mình.
Sau khi cố gắng tải tệp dữ liệu trên Facebook cá nhân, nhiều người dùng đã sốc bởi nó có quyền truy cập vào tất cả mọi thứ, từ các địa chỉ liên lạc trên điện thoại của họ đến bản ghi của mỗi tin nhắn văn bản họ đã gửi hoặc nhận , ngay cả khi họ không sử dụng Facebook Messenger.
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đã chia sẻ kết quả tải dữ liệu Facebook của họ.
Cụ thể, nhà văn Anh – Emma Kennedy cho biết “Facebook có số điện thoại của tôi cũng như cả những bạn bè tôi không dùng facebook. Họ có số điện thoại của các gia đình – những người tôi chắc sẽ tức giận khi biết thông tin này”.
Một nhà phát triển đến từ New Zealand sau khi tải xuống dữ liệu của ông đã chia sẻ trên Twitter rằng: Facebook có đầy đủ thông tin hơn 700 cuộc gọi khác nhau, với dữ liệu về các cuộc gọi đến, gửi đi hay bỏ lỡ, thời lượng cuộc gọi, dữ liệu các tin nhắn SMS.
Thậm chí, một người cho biết Facebook còn lưu giữ các thông tin về nhà cho thuê người này từng trao đổi qua phần mềm nhắn tin Messenger cùng báo cáo chi tiết việc thanh toán ngân hàng và các tài khoản tín dụng.
“Thật ngây thơ khi không nghi ngờ gì về việc Facebook biết bạn tốt hơn chính bản thân bạn”, người này chia sẻ.
Làn sóng tẩy chay Facebook ngày càng lan rộng sau bê bối Cambridge Analytica. Ngày 23/3, tỉ phú công nghệ Elon Musk cũng đã xóa bỏ cả hai trang Facebook của các công ty thuộc sở hữu của ông là Tesla Spacex sau khi nhận được thách thức làm như vậy từ một số người theo dõi ông trên Twitter.
Cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 18% kể từ ngày 16/3, khi Facebook thừa nhận rằng dữ liệu người dùng đã được gửi đến Cambridge Analytica một cách không chính thức.
Christopher Wylie, người báo cáo về vụ bê bối Cambridge Analytica cho biết công ty AggregateIQ của Canada đã phát triển phần mềm sử dụng các thuật toán từ dữ liệu Facebook để nhắm tới cử tri đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016.
AggregateIQ đã không ngay lập tức đưa ra bình luận về nhận xét này. Cambridge Analytica cho biết họ đã không chia sẻ dữ liệu Facebook với AggregateIQ. Theo đó, đơn vị này cho biết họ không sử dụng dữ liệu Facebook trong chiến dịch của Trump và đã xóa tất cả dữ liệu Facebook thu được từ ứng dụng của bên thứ ba vào năm 2014 sau khi họ không tuân thủ các quy tắc bảo vệ dữ liệu.
CEO Facebook – Zuckerberg đã đưa ra lời xin lỗi vào tuần trước vì những sai lầm mà công ty đã đưa ra. Đồng thời hứa sẽ hạn chế quyền truy cập của người phát triển vào thông tin người dùng như một phần của kế hoạch bảo mật.
Tuy nhiên, số lượt tìm kiếm “Delete Facebook” trên trang Google tại Mỹ tiếp tục tăng vọt những ngày qua. Rõ ràng dư luận vẫn chưa thỏa mãn sau nội dung “giải trình” và xin lỗi cùng cam kết thay đổi của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg.