Kỳ 3: Lê Thu Hà – Thư ký Hội Anh em dân chủ
Kỳ 1: Âm mưu kích động nhân dân biểu tình dưới chiêu bài “công lý”, “tự do”, “dân chủ”
Kỳ 2: Luật sư Nguyễn Văn Đài lần thứ 2 lên đoạn đầu đài
Lê Thu Hà sinh năm 1982, quê ở Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, Hà trở về quê hương dạy tiếng Anh. Sinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha từng là trợ lý Cục Chính trị Quân khu 4, tham gia chỉ huy các trận chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị nhưng Hà đã sớm bộ lộ tư tưởng chính trị đối lập khi viết bài “Hành trình tôi trở thành phản động” đăng trên facebook cá nhân vào năm 2013.
Lê Thu Hà
Mang sẵn trong mình tư tưởng bất mãn nên khi gặp luật sư Nguyễn Văn Đài, Hà như bị bỏ bùa mê. Nhận định đây là hạt giống dân chủ tương lai, Nguyễn Văn Đài giúp Hà tham gia khóa huấn luyện chính trị ở Manila, Philippines, do VOICE tổ chức. Tổ chức tổ chức VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment – Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại), do Trịnh Hội thành lập, giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh ở Philippines. VOICE mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, vì cộng đồng nhưng thực tế đó chỉ là bình phong nhằm che đậy âm mưu hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. VOICE là tổ chức ngoại vi của Việt tân, núp bóng dưới danh nghĩa NGO làm vỏ bọc để tiện quyên góp tiền từ dân chúng và các loại quỹ dân chủ, nhân quyền. VOICE mở chi nhánh ở nhiều nước nhằm tìm kiếm tài chính cho tổ chức khủng bố Việt tân và tránh bị đánh thuế thu nhập.
Trịnh Hội (người đánh dấu x)
Kết thúc khóa huấn luyện, Hà không về quê mà tạm trú tại số 10. Đoàn Trần Nghiệp, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là địa điểm từng đặt văn phòng luật sư Thiên Ân của Nguyễn Văn Đài. Vốn có trình độ ngoại ngữ, Hà được Nguyễn Văn Đài bổ nhiệm làm thư ký và giao phụ trách mảng đối ngoại của Hội Anh em dân chủ (HAEDC). Công việc chính của Hà là dịch các thư, tài liệu, báo cáo giữa HAEDC và các tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, Hà còn tham gia viết các đề án bằng tiếng Anh để kêu gọi quyên góp tiền tài trợ.
Giữa năm 2015, Phạm Bá Hải, người đứng đầu Hội Cựu tù nhân lương tâm ở TP.HCM ra Hà Nội gặp gỡ Nguyễn Văn Đài để bàn thảo thực hiện “dự án truyền thông” mới mang tên Lương tâm TV. Để thực hiện dự án này, các đối tượng sẽ dựng các video clip có thời gian từ 5 – 7 phút, đăng lên youtube. Mỗi clip được “Quỹ Tù nhân lương tâm” của Hải tài trợ 1,5 triệu đồng để thực hiện. Kịch bản, lời bình và câu hỏi phỏng vấn trong các clip do Nguyễn Vũ Bình, người giữ vai trò cố vấn của Phạm Văn Trội, Chủ tịch HAEDC phụ trách thực hiện, lời bình do Lê Thị Yến đọc. Việc ghi hình và dựng clip được tiến hành tại nhà riêng của Nguyễn Vũ Bình ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong khi đó, Lê Thu Hà phụ trách dịch nội dung của các clip này để làm phụ đề bằng tiếng Anh. Các phụ đề tiếng Anh nhằm phục vụ các chính phủ, tổ chức đang hậu thuẫn, tài trợ tài chính cho HAEDC và Hội Cựu tù nhân lương tâm theo dõi, đánh giá hiệu quả để có kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới.
Lê Thị Yến, phát thanh viên của Lương tâm TV
Kênh Youtube của Lương tâm TV đăng clip đầu tiên vào ngày 19/8/2015. Các clip phát trên Lương tâm TV chủ yếu lắp ghép, cắt xén, “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình trong nước nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước. Ở phần cuối mỗi clip, Lương tâm TV bao giờ cũng cập nhật thông tin về hoạt động của các chính phủ đang tài trợ cho kênh này và các tổ chức khác đang có dự định liên kết.
Sau khi kênh Lương Tâm TV phát được ba số, ngày 23/9/2015, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt tạm giữ 6 người trong ekip thực hiện dự án để điều tra, bao gồm Lê Thị Yến, Lê Thu Hà, Nguyễn Vũ Bình, Trần Đức Thịnh, Phạm Đắc Đạt, Nguyễn Mạnh Cường. Khám xét tại nhà riêng của Nguyễn Vũ Bình, cơ quan Công an đã phát hiện và tịch thu 1 máy quay phim cầm tay, 1 camera Sony Anpha 58, bộ đèn chiếu studio 4 chân 4 đèn, 3 laptop chuyên dụng, 1 máy tính bảng, 4 điện thoại, 3 USB, 100 USD, bàn ghế và các thiết bị cho studio khác.
Ngày 16/12/2015, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đều bị bắt giam. Ngay lập tức HAEDC phát động một tuần lễ kêu gọi, vận động trả tự do cho Nguyễn Văn Đài. Tuy nhiên, trong tuần lễ vận động này, tổ chức này không kêu gọi trả tự do cho Lê Thu Hà. Phải đến khi 26 tổ chức từ nhiều quốc gia ký một bản tuyên bố chung kêu gọi thả Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, thì tên Hà mới được nhắc đến. Trong danh sách các tổ chức ký tên, có thể thấy bản tuyên bố này là thành quả của các nhóm chính trị đối lập người Việt từng đi vận động quốc tế trước, trong và sau phiên họp UPR (viết tắt là Universal Periodic Review – cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát) của Việt Nam vào năm 2014. Trong đó có tổ chức VOICE, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Quang A là những tổ chức, cá nhân tham gia tích cực nhất.
Ngày 30/7/2017, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà bị khởi tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự, cùng với 4 thành viên khác của HAEDC bị bắt trong ngày hôm đó gồm Phạm Văn Trội (45 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội; Nguyễn Trung Tôn (45 tuổi) ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; Trương Minh Đức (57 tuổi) ở quận 8, TP HCM; Nguyễn Bắc Truyển (49 tuổi), ở quận Tân Bình, TP HCM.
Rồi đây, cựu giáo viên Lê Thu Hà sẽ nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật. Chắc chắn nhiều người, nhất là người thân trong gia đình Hà sẽ rất đau xót và lấy làm tiếc cho tương lai của cô giáo tiếng Anh thay vì chăm lo sự nghiệp trồng người lại bị nhồi sọ tư tưởng bất mãn và mấy đồng USD xanh làm lóa mắt mà đang tâm bán rẻ Tổ quốc.
Võ Thắng