Thông tin về việc kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ vì những vi phạm “nghiêm trọng” hôm 18/09/2017 khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ Đà Nẵng trước giờ được xem là thành phố đáng sống và phát triển năng động hàng đầu Việt Nam, là biểu tượng của toàn miền Trung. Những tưởng thành phố trực thuộc TƯ này sẽ sở hữu dàn lãnh đạo hết lòng, tận lực vì sự phát triển của thành phố, nhưng hóa ra nhiều người đã lầm. Việc kỷ luật Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ đã cho thấy những góc khuất của sự phát triển thành phố này. Dưới đây là một bài viết trên trang BlueVN hồi cuối tháng 03/2017, hé lộ nhiều sai phạm trong cách điều hành và quy hoạch TP Đà Nẵng của lãnh đạo tỉnh.
Bán đảo Sơn trà
Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang làm xôn xao dư luận những ngày qua vì mối lo ngại về tác động môi trường và đe dọa an ninh quốc phòng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát hiện hàng loạt sai phạm trong giấy phép xây dựng của dự án chỉ bị phanh phui khi dư luận và báo chí kịch liệt chỉ trích. Rốt cuộc cả hệ thống chính quyền từ cấp phường lên đến quận, thành phố được lập lên để làm gì khi để chuyện tày đình đó xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật? Liệu Biển Tiên Sa có dám lộng hành như vậy nếu không được bật đèn xanh từ các văn bản pháp lý của UBND Đà Nẵng?
Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà vốn có diện tích lên tới 4400ha. Tuy nhiên năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng lại ra Quyết định Phê duyệt Quy hoạch rừng, cắt bớt diện tích “rừng đặc dụng” của Sơn Trà xuống chỉ còn 2.591 ha. Gần một nửa diện tích tại Sơn Trà đã được lãnh đạo Đà Nẵng hợp pháp hóa, tiếp tay cho các công trình nghỉ dưỡng như InterContinental Danang của Tập đoàn SunGroup cũng như hàng loạt dự án khác mọc lên như nấm ở Sơn Trà. Kế thừa từ các lãnh đạo đi trước, dàn lãnh đạo đương nhiệm không dại gì mà không tận dụng số rừng này, hiện tại tại Sơn Trà có tới 17 dự án chuẩn bị được đầu tư và triển khai, bấp chấp tiếng kêu cứu của người dân trước môi trường sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
Trước khi dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa bị vạch trần, lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng từng vấp phải ý kiến phản đối khi triển khai dự án hầm chui sông Hàn với chi phí hơn 4.700 tỷ đồng, vì quan ngại hầm chui sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị, chi phí xây dựng tốn kém, không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.
Theo KTS Hồ Duy Diệm – nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng hiện chỉ có khoảng 800.000 dân nội đô (ven 15km bờ sông Hàn), và hiện đã có 10 cây cầu (mỗi cầu gánh 100.000 dân) phục vụ cho việc đi lại của người dân, do đó mục tiêu xây hầm chui làm giảm ùn tắc giao thông là không cần thiết”. Vậy, mục đích sau cùng để xây hầm là gì? Chắc chắn không phải để phục vụ cho người dân, vậy thì cho ai?
Giá đất bán đảo Sơn Trà lúc trước khi có thông tin làm hầm chui sông Hàn được rao bán là 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên sau khi có quyết định xây hầm, giá đất tăng lên hơn gấp đôi là 48 triệu đồng/m2, và kéo theo hàng loạt dự án đất phân lô, xây biệt thự phía chân núi mọc lên rầm rộ. Ngay sau khi Thủ tướng có quyết định xem xét lại dự án dựa theo quy hoạch chung, giá đất tại đây đột ngột giảm xuống mức giá ban đầu. Sự chênh lệch này cho thấy dự án xây dựng hầm chui sông Hàn chỉ là một phần trong kế hoạch phát triển xây dựng và nâng giá các biệt thự tại bán đảo Sơn Trà, các công trình xây dựng này đều có mối liên hệ với nhau, phục vụ cho nhóm lợi ích đứng sau.
Nhóm lợi ích này gồm những ai? Phải chăng chính là những Tập đoàn, các doanh nghiệp bất động sản, các đại gia đầu tư vào các công trình xây dựng và cả các lãnh đạo đã đứng ra “bảo kê” cho các công trình này được triển khai vô tội vạ?
Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án hầm chui “Dự án này là kết quả của tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo thành phố cho tương lai”. Quả thật vậy, nếu được xây dựng, hầm chui sẽ giúp nâng giá BĐS tại bán đảo Sơn Trà lên mức cao ngất ngưởng, chỉ có các đại gia mới mua nổi. Có lẽ “tầm nhìn dài hạn” của ông Bí thư đã khiến ông nhìn quá xa mà không nhìn thấy được cái trước mắt, ông chỉ thấy các đại gia kếch xù mà bỏ quên cái khổ mà người dân Đà Nẵng đang phải gánh chịu từ việc môi trường bị phá hủy nghiêm trọng.
Không chỉ có ông Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng thể hiện quyết tâm xây cho bằng được công trình hầm chui, ông nói: “Không có chuyện dừng dự án hầm chui qua sông Hàn như thông tin trên một số trang mạng xã hội những ngày gần đây”. Tự hỏi, động lực nào khiến các nhà chức trách sẵn sàng đánh đổi môi trường, đi ngược lại dư luận, bất chấp sự cảnh báo của giới KTS, nhà quy hoạch như vậy? Quyết tâm của các vị liệu có phải vì đang nhăm nhe “gặm nhấm” số tiền 4.700 tỷ xây cầu, hay lợi nhuận có được từ các biên bản cấp phép, ăn chia với các tập đoàn, đại gia đầu tư BĐS?
Chính số tài sản khổng lồ mà ông Huỳnh Đức Thơ sở hữu, những chiếc ô tô tiền tỷ mà ông Nguyễn Xuân Anh đang chạy và 12 lô đất vàng liền kề sân bay Nước Mặn của lái xe cũ nhà Bí thư lương tháng 4 triệu đã phần nào giải đáp được thắc mắc này. Lúc này mới vỡ lẽ, hóa ra sự kiên quyết của lãnh đạo Đà Nẵng không thực sự là vì nhân dân, vì sự phát triển thành phố như những mỹ từ mà các ngài phát biểu.
Sơn Trà, vẻ đẹp nguyên sơ giữa lòng thành phố Đà Nẵng, giờ đây đang bị các nhà “phù thủy kinh tế” lợi dụng, những “ông trùm chính trị” sẵn sàng lừa dối người dân, đồng lõa với kẻ xấu để cùng nhau sâu xé, chia chác nhằm thu về lợi nhuận khủng. Người dân Sơn Trà nói riêng, và cả thành phố Đà Nẵng nói chung đang bị bán đứng trên chính mảnh đất của mình mà không hề hay biết.
(BlueVN)