Theo Quyết định số 08/2018/QĐXXST-HS, ngày 12/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 hai bị cáo Hoàng Đức Bình (sinh ngày 10/02/1983 tại Hưng Nguyên, Nghệ An; nghề nghiệp: lao động tự do; nơi cư trú: xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và bị cáo Nguyễn Nam Phong (sinh ngày 15/8/1980, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An; nghề nghiệp: lao động tự do; nơi cư trú; xóm 13, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sẽ diễn ra vào 7 giờ 30 phút, ngày 25/01/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, vào sáng ngày 25/01/2018, phiên tòa thu hút được sự quan tâm của dư luận này đã bị hoãn và lùi lại vào ngày 06/2/2018. Vì sao vậy?
Sáng ngày 25/01/2018, ngay trong phần thủ tục những luật sư bào chữa cho bị cáo đã vắng mặt lần thứ nhất. Các bị cáo không đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Do vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa.
Trong Quyết định số 03/2018/HSST-QĐ, ngày 25/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về việc hoãn phiên tòa nêu rõ: “Căn cứ Điều 291, 297 và 299 Bộ luật tố tụng hình sự…; xét thấy những người bào chữa cho các bị cáo vắng mặt lần thứ nhất, các bị cáo không đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa”. Chính vì vậy, Thẩm phẩn, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm và lùi phiên tòa sang 7h30 ngày 06/2/2018.
Theo Điều 291 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“1. Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.
2. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Khoản 2, 3, 4 Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:
“2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
d) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định”.
Hoàng Đức Bình bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm c, d khoản 2 Điều 257 và tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999. Bị cáo Nguyễn Nam Phong bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ngay sau khi Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ra quyết định về việc hoãn phiên tòa, Hoàng Đức Nguyên (em ruột của Hoàng Đức Bình) cùng mẹ đẻ đã tiến hành livestream với luật sư Hà Huy Sơn (một trong những luật sư bào chữa cho các bị cáo, nhưng đến muộn không rõ lý do) diễn một vở kịch vụng về. Trong vở kịch này, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng “8h kém 15 tôi cùng luật sư Luân có mặt ở đường Phạm Đình Toái thì nhận được thông báo hoãn phiên tòa xét xử của TAND huyện Diễn Châu, tôi cho rằng hoãn đã chuẩn bị từ trước vì tôi nhận được quyết định của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu có đóng dấu của TAND huyện Diễn Châu thì chứng tỏ quyết định đã chuẩn bị từ trước, nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước con dấu không được mang ra khỏi trụ sở”.
Trong khi đó, mẹ Hoàng Đức Bình một mực khẳng định “Bình yêu dân thương dân, yêu nước chứ không buôn ma túy, ăn trộm, tham nhũng…”.
Đúng là một màn kịch vụng về, là luật sư bào chữa cho các bị cáo, đã đến muộn không rõ lý do, 7h30 phiên tòa bắt đầu, vậy mà 8h kém 15 luật sư Hà Huy Sơn vẫn đang ở đường Phạm Đình Toái, ấy thế mà không biết xấu hổ lại còn mặt dày dựng lên màn kịch vụng về này. Quyết định mà không đóng dấu có lẽ Hà Huy Sơn còn la toáng lên là quyết định không có giá trị pháp lý. Thật đúng là đáng khinh bỉ.