Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang leo thang nhanh chóng.
Ông Thôi Thiên Khải đã đưa ra bình luận trên sau khi giới chuyên gia và quan sát cho rằng các cường quốc thế giới nên chấp nhận Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân cũng như thay đổi chính sách để đảm bảo họ không sử dụng chúng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đã nêu ra ba lý do khiến Trung Quốc phản đối chính quyền ông Kim Jong-un làm chủ vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un thị sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 ngày 16/9. Ảnh: AFP/TTXVN
1. Lo sợ chạy đua vũ trang trong khu vực
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc vô cùng cảnh giác việc các láng giềng của nước này có kho vũ khí hạt nhân, đồng thời đánh giá đây là một nguy cơ rõ ràng đối với an ninh quốc gia. Điều này cũng làm Bắc Kinh dấy lên những mối quan ngại sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khi Hàn Quốc và Nhật Bản cảm thấy cần thiết phải có được một kho vũ khí hạt nhân riêng.
Chính sách của Hàn Quốc là theo đuổi một bán đáo Triều Tiên phi hạt nhân sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này hồi thập niên 1970, mặc dù một số chuyên gia tin Seoul vẫn có năng lực kỹ thuật và thiết bị để sản xuất loại vũ khí chết chóc này.
Hàn Quốc khẳng định chính sách của nước này không thay đổi, tuy nhiên Deng Yuwen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện cố vấn Charhar đã bình luận rằng Seoul và Washington đang thảo luận về việc đem vũ khí gắn đầu đạn hạt nhân vào nước này. “Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ phải chấp nhận Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Deng viết.
2. Phá hoại chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân
Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) nhằm giới hạn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân cũng như ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhật Bản, Mỹ và 185 nước thành viên Liên hợp quốc khác cũng ký hiệp ước này.
“Nếu các cường quốc hạt nhân đang nổi lên khác như Ấn Độ, Pakistan và Israel chưa được chấp nhận là các nước hạt nhân dưới chế độ NPT, tại sao Triều Tiên lại là trường hợp ngoại lệ?”, ông Yue Gang – một chuyên gia quân sự về hưu người Trung Quốc đặt câu hỏi.
3. Đe dọa an ninh quốc gia
Nhà nghiên cứu Deng nhận định chính quyền Triều Tiên rất khó đoán nên Bắc Kinh lo sợ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có thể gây rò rỉ phóng xạ sang lãnh thổ nước này.
Trong kịch bản xấu nhất, số vũ khí trên có thể bị sử dụng để chống lại Trung Quốc. “Nếu quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên bị xấu đi, không ai có đảm bảo ông Kim sẽ không dùng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc”, ông Deng nói.
Robert Manning, chuyên gia an ninh quốc tế tại Hội đồng cố vấn Atlantic của Mỹ nói với SCMP: “Tôi nghĩ hữu ích khi Mỹ nhắc nhở Trung Quốc rằng tên lửa Triều Tiên chĩa về mọi hướng”.
Hoàng Trang/Báo Tin Tức