Tuesday, March 19, 2024

Nga giăng bẫy phương Tây?

Mỹ cùng các đồng minh NATO dường như mất phương hướng và đang bị cuốn vào kế hoạch lớn hơn của Nga, khi Moscow leo thang căng thẳng ở biên giới Ukraine dù chưa nổ súng.

Hơn 2 tháng qua, phương Tây ám ảnh với khả năng Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, phát súng khai hỏa vẫn chưa vang lên. Dường như cuộc chiến sẽ không sớm nổ ra, ít nhất theo cách thức mà nhiều người suy đoán.

Điện Kremlin đã sử dụng chiêu bài tập trung binh lực khiến phương Tây hoảng loạn, buộc các đối thủ phải cân nhắc nghiêm túc yêu sách của Nga không tiếp tục mở rộng NATO về phía Đông.

“Bởi tập trung vào sai vấn đề và chịu tham gia đàm phán các yêu sách của Nga, Mỹ và NATO đã rơi vào cái bẫy nghi binh chiến lược khổng lồ”, Keir Giles, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Âu của Viện tư vấn chính sách Chatham, nhận định, theo Guardian.

Bố trí lực lượng của Nga vây quanh Ukraine khiến Kiev và phương Tây căng thẳng. Đồ họa: New York Times.

Chiến thuật không mới

Trên mọi khía cạnh, việc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang là sự thật, nhưng đây là điều Moscow đã từng làm trong quá khứ.

Theo NBC News, Nga từng triển khai hơn 100.000 binh sĩ tới biên giới Ukraine vào mùa xuân năm 2021, tương tự tình huống hiện nay. Lực lượng Nga bao gồm cả xe tăng, pháo binh, máy bay chiến đấu cùng tàu đổ bộ ở Biển Đen.

Nhưng ở thời điểm đó, giới phân tích phương Tây nhanh chóng đưa ra nhận định sẽ không có hành động vũ trang nào từ phía Nga.

Lý do cho kết luận này là bởi Nga triển khai quân mà không có những binh chủng thiết yếu như quân y, hậu cần, tiếp tế đạn dược. Đây là những đơn vị không thể thiếu cho mọi đội quân dự định tổ chức một cuộc tấn công, theo Guardian.

Lần này, Moscow đã chuẩn bị tất cả. Mọi đơn vị cần thiết đều có mặt ở biên giới và hiện diện trước tai mắt của phương Tây. Nga vẫn tiếp tục điều động thêm lực lượng tới biên giới Ukraine nhằm duy trì sức ép lên giới hoạch định chính sách của Mỹ và NATO.

Hành động của Moscow khiến cho ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải suy đoán cuộc triển khai quân lần này lớn đến mức không thể chỉ là phô trương thanh thế. Nói cách khác, thế trận lần này là “quá lớn để không được sử dụng”.

Xe thiết giáp Nga ở Sevastopol, Crimea. Ảnh: AFP.

Nhưng chính nỗi lo sợ chiến tranh nổ ra có thể lu mờ điểm cốt yếu trong cuộc xung đột hiện nay. Đó là mọi động thái tăng cường binh lực nhằm buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán các yêu sách an ninh của Nga.

Hơn nữa, bên cạnh những đòi hỏi trực tiếp như cấm Ukraine gia nhập NATO, hay NATO hạn chế hoạt động ở Đông Âu, Nga cũng đạt được những mục tiêu thứ yếu khác.

Những vấn đề trước đây luôn là tâm điểm chỉ trích của phương Tây, như việc Nga sáp nhập trái phép bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền hợp pháp của Ukraine, hay Moscow vũ trang cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, đang bị gạt ra bên lề bởi vấn đề cấp bách hơn cả là nguy cơ một cuộc chiến tranh.

Đây không phải lần đầu tiên Nga dùng đến chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”. Sau khi chiếm đóng Crimea năm 2014, Nga khiến phương Tây ngỡ ngàng khi nhanh chóng điều động lượng lớn bộ binh tới biên giới Ukraine.

Nhưng suốt năm 2015, lực lượng này chỉ án binh bất động, với quy mô lúc thì tăng lên, khi thì giảm đi tùy tình hình. Nhiệm vụ chính của lực lượng bộ binh Nga khi đó chỉ là thu hút sự chú ý của phương Tây, củng cố sức nặng cho yêu sách của Moscow buộc quân đội chính phủ Ukraine ngừng bắn tại miền Đông.

Hình ảnh từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 26/1, về các cuộc tập trận của bộ binh, xe tăng và tên lửa Nga gần biên giới Ukraine. Ảnh từ video của Bộ Quốc phòng Nga.

Chiến tranh không phải lựa chọn duy nhất

Nga có nhiều kịch bản khác nhau để mở một chiến dịch trên bộ tấn công Ukraine. Nhưng bất kể tiến quân như thế nào, đưa bộ binh vào Ukraine sẽ tiềm ẩn những thách thức to lớn với Moscow.

Một chiến dịch quân sự có giới hạn sẽ không mang tới nhiều lợi ích cho Nga. Nhưng nếu tiến hành chiến tranh toàn diện nhằm chiếm đóng những thành phố lớn của Ukraine, lực lượng hiện nay của Nga đang ở biên giới hai nước là không đủ.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 26/1 nói dù việc Nga tập trung lực lượng quy mô lớn ở biên giới là mối đe dọa an ninh, quân số của Nga hiện chưa đủ lớn để tổ chức tấn công, theo AP.

“Nga vẫn chưa điều động một số đơn vị quân sự then chốt để tiến hành tấn công tổng lực quy mô lớn”, Ngoại trưởng Kuleba nói, đồng thời cảnh báo Moscow có thể đang “reo rắc sự hoảng loạn, gia tăng sức ép lên hệ thống tài chính và tấn công mạng Ukraine” nhằm gây bất ổn cho nước này.

Trong những tuyến bố mới nhất, giới chức Mỹ khẳng định sẽ có những trả đũa bằng trừng phạt kinh tế khốc liệt và tăng cường lực lượng tại châu Âu nếu Nga phát động chiến tranh trên bộ với Ukraine. Những tuyên bố này, vô tình hoặc cố ý, để lại những lựa chọn khác cho Moscow.

Washington dường như quyết định bỏ ngỏ khả năng cho Nga tiến hành các hoạt động thù địch mà không phải chiến tranh xâm lược. Những lựa chọn như không kích xuyên biên giới bằng máy bay, tên lửa, hoặc tấn công mạng chưa được nhắc tới.

Đồng thời, việc Anh cáo buộc Điện Kremlin âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhằm thay thế bằng một bộ máy mới thân Nga, cũng cho thấy tấn công quân sự chính quy chỉ là một phần trong các lựa chọn của Moscow.

Anh cáo buộc Nga âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP.

Những chiến dịch phá hoại, can thiệp, lật đổ nhằm gây rối loạn và bất ổn Ukraine có thể là những lựa chọn phù hợp với khả năng hiện nay của Nga cũng như xu thế chung phản đối chiến tranh xâm lược của cộng đồng quốc tế.

Và thậm chí Ukraine có thể không phải là mục tiêu mà Nga nhắm đến. Động thái tăng cường binh lực của Moscow suốt 2 tháng qua dù nhắm trực tiếp tới Kiev, nhưng nguyên nhân sâu xa là nhằm ngăn chặn NATO tiếp tục mở rộng vào không gian mà Điện Kremlin coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga.

Điều này đồng nghĩa để đạt được mục tiêu gây sức ép buộc NATO phải xuống thang thỏa hiệp, Nga có thể nhắm tới bất cứ quốc gia châu Âu nào khác nằm ngoài NATO.

Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia Bắc Âu không thuộc NATO, đã phải tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Đông Âu. Thụy Điển thậm chí tái triển khai quân tới đảo Gotland, vùng lãnh thổ gần Nga.

Trong khi đó, Ireland cảnh báo Nga có thể tiến hành tập trận bắn đạn thật bên trong vùng đặc quyền kinh tế nước này vào đầu tháng 2. Địa điểm nhiều khả năng gần với các tuyến đường thủy, đường không và tuyến cáp ngầm quan trọng.

Lúc này, viện trợ quân sự từ phương Tây đang đổ về Ukraine. Mỹ và Anh đã chuyển giao cho Ukraine vũ khí chống tăng, đạn dược. Nhân viên sứ quán một số nước đã được cho phép rời Kiev. Chiến tranh nóng có thể sẽ nổ ra nếu một trong hai bên, đặc biệt là Nga, tính toán sai lầm.

Trong khi đó, giới chức Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi phản ứng bình tĩnh, bởi hoảng loạn cũng đồng nghĩa rơi vào bẫy của Moscow.

Tháng 12/2021, Tổng thống Putin từng đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đáp trả động thái gây hấn của phương Tây. Đến nay, Nga vẫn chưa nổ súng và tình hình căng thẳng có thể tiếp tục kéo dài.

“Nga sẽ sớm cảm thấy cần ra tay, nhưng chúng ta không nên trông đợi hành động của Moscow giống như những gì tất cả suy nghĩ”, Keir Giles, chuyên gia của Viện Chatham, nhận định.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG