Thursday, March 28, 2024

Những ‘bài toán khó’ của tân Bí thư Hà Nội

Huy động 650.000 tỷ đồng đầu tư công, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng…, là những “bài toán khó” chờ lời giải của tân Bí thư cùng tập thể lãnh đạo Hà Nội.

Một tuần trước khi nhận quyết định phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với thành phố Hà Nội (chiều 28/3).

Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nêu một số đề xuất về đầu tư công, quy hoạch đô thị, cải tạo chung cư cũ… Đây sẽ là những vấn đề chờ đợi tân Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết trong thời gian tới.

Một trong những “bài toán khó” của thủ đô là áp lực dân số lên hạ tầng. Năm 2020, dân số Hà Nội khoảng 8,2 triệu người, dự báo đến năm 2025 là 9 triệu và đạt ngưỡng gần 10 triệu vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm dân số Hà Nội tăng khoảng 200.000, bằng dân số một huyện. Lãnh đạo thành phố còn lo ngại việc bỏ các quy định riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương (theo Luật cư trú, hiệu lực từ 1/7/2021), sẽ làm dân số thủ đô tăng thêm khoảng một triệu người nữa trong 2 năm tới.

Những ‘bài toán khó’ của tân Bí thư Hà Nội
Ông Đinh Tiến Dũng tại lễ công bố quyết định phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngày 3/4. Ảnh: Ngọc Thành

Dân số tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị dẫn tới quá tải về hạ tầng như tắc đường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông hồ. Trong khi đó, Hà Nội hiện chưa hoàn chỉnh được tuyến đường vành đai nào (vành đai 1, 2 3); các trục đường chính ra vào thành phố thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) chưa đạt chỉ tiêu; thiếu bãi giữ xe tĩnh.

Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chậm đưa vào sử dụng, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi thi công các ga ngầm…, cũng là những vấn đề cần sự “xắn tay áo” của Hà Nội và ngành giao thông.

Những ‘bài toán khó’ của tân Bí thư Hà Nội
Đoạn giao cắt giữa sông Tô Lịch và sông Lừ chảy qua khu Linh Đàm. Ảnh: Ngọc Thành

Với những dòng “sông chết” trong nội đô (Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu), thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng nước, nhưng đến nay giải pháp chủ yếu và lộ trình như thế nào vẫn chưa rõ ràng.

Theo TS Đào Trọng Tứ – Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, lượng nước trong các dòng sông ở nội đô hiện nay chủ yếu từ hệ thống cống thải, đo đó nước rất ít và gần như không có dòng chảy. Để giảm thiểu ô nhiễm các con sông này, việc xây dựng hệ thống cống dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là cần thiết. Tuy nhiên, ông Tứ cho rằng lượng nước đó chưa đủ “nên vẫn cần dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch”.

Về rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn, xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (khoảng 5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.200 tấn). Hai bãi chôn lấp của thành phố hiện trong tình trạng quá tải, trong khi đó nhà máy điện rác Nam Sơn – công trình dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn thành phố, đang chậm tiến độ.

Ngoài ra, sau nhiều lần thí điểm, thành phố vẫn chưa thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn…

Những ‘bài toán khó’ của tân Bí thư Hà Nội
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội vào giờ cao điểm sáng 11/5/2020. Ảnh: Ngọc Thành. 

Về nguồn lực đầu tư, dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi của thành phố là 965.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư công khoảng 650.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30- 35% nhu cầu.

Để đáp ứng nguồn lực cho đầu tư công, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35%; hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; cho phép thành phố đấu thầu, đấu giá quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế.

Thành phố cũng đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư từ BT (xây dựng – chuyển giao) sang đầu tư công với hai cầu qua sông Hồng, cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỷ đồng). Việc cân đối 26.000 tỷ đồng cho 2 công trình này sẽ không phải là “bài toán” dễ dàng.

Liên quan đến quy hoạch, sau hơn 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, một số quy hoạch phân khu vẫn chưa hoàn thành, trong đó có quy hoạch phân khu ga Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021)…

Một trong những bài toán khó với quy hoạch sông Hồng là thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông dọc, ngang kết hợp các tuyến đê và cầu.

“Đồ án quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng hàng loạt cây cầu nối hai bên bờ sông, cùng hệ thống giao thông dọc bờ sông, tạo ra hệ thống giao thông mới của thủ đô. Vậy nguồn lực nào để xây dựng các công trình này cũng là bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng”, theo kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

Luật Thủ đô từ cách đây 10 năm đã đặt ra vấn đề phát triển 5 đô thị vệ tinh, nhưng hiện mới có quy hoạch Hoà Lạc được phê duyệt; 4 đô thị còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn chưa hoàn thành.

Về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Hà Nội hiện có trên 1.500 chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.

Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội mới cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và phương pháp tổ chức thực hiện. Thành phố đang nghiên cứu phương án cải tạo chung cư cũ theo hướng giữ ổn định chỉ tiêu dân số, tái tạo quỹ nhà để sử dụng vào chức năng thương mại, dịch vụ khi tăng chiều cao công trình, giảm mật độ xây dựng. Tuy nhiên với số lượng chung cư cũ lớn nêu trên, Hà Nội sẽ khó đạt mục tiêu cải tạo, xây dựng lại nếu không đưa ra được những giải pháp đột phá.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên có nghị quyết riêng về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư từ giữa năm 2019. Tuy nhiên, với hàng ngàn chung cư mới được xây dựng trên địa bàn đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh trật tự trong việc tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua nhà với chủ đầu tư, giữa cư dân với Ban quản trị. Bên cạnh đó là nguy cơ cháy nổ khi một số chủ đầu tư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cộng với ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt.

Với khu vực ngoại thành, một chỉ tiêu Hà Nội chưa hoàn thành là nước sạch nông thôn. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhưng thực tế mới đạt 78%. Các sự cố về ô nhiễm nguồn nước nhà máy nước mặt sông Đà, “lùm xùm” giá thành của nhà máy nước mặt sông Đuống và việc chậm xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng cũng đặt ra những thách thức về an ninh nguồn nước.

Trong những năm tới, lãnh đạo thành phố cũng sẽ phải giải quyết vấn đề tốc độ phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt khu vực phía Nam và Tây Nam của thủ đô. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn – thành thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với nông thôn chậm cải thiện; thu nhập khu vực thành thị gấp 1,97 lần nông thôn.

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%; GRDP bình quân đầu người 8.300-8.500 USD. Đây là hai chỉ tiêu Hà Nội không hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. GRDP giai đoạn này đạt 6,68% (kế hoạch từ 7,3 đến 7,8%), GRDP bình quân đầu người hơn 122 triệu đồng (5.285 USD), kế hoạch từ 126 đến 129 triệu đồng.

Võ Hải/ VNE 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG