Thursday, March 28, 2024

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và bài học về xây dựng lực lượng vũ trang

Tháng 8 năm 1945, toàn dân Việt Nam nhất tề nổi dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, tạo nên bước ngoặt vĩ đại, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành công đó đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh cách mạng.

Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vũ trang quần chúng, sử dụng bạo lực cách mạng đấu tranh giành chính quyền, ngay khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định dùng bạo lực cách mạng của quần chúng để “Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến; làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập; dựng ra chính phủ công nông binh; tổ chức quân đội công nông”1. Theo đó, các cao trào đấu tranh đều chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, các địa phương đã lập ra Đội Tự vệ với nhiệm vụ bảo vệ xóm làng, quần chúng. “Những đội tự vệ đỏ ấy là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng của dân, vì dân do Đảng lãnh đạo”2. Cuối năm 1931, trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân, phong kiến, phong trào đấu tranh của nhân dân rơi vào giai đoạn thoái trào, tổ chức cách mạng, trong đó có Đội Tự vệ chịu tổn thất nặng nề. Để duy trì lực lượng, Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: “Sắp đặt hàng ngũ cho chỉnh tề, lo dự bị võ trang bạo động, kỳ đánh đổ được quân áp bức”3. Với tư tưởng chỉ đạo đó, nên trong thời kỳ cách mạng gặp khó khăn, lực lượng tự vệ công nông vẫn được tổ chức chờ thời cơ bùng lên, phát triển mạnh mẽ.1. Chuẩn bị mọi mặt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng

Tại Đại hội lần thứ nhất (3/1935), Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết riêng về Đội Tự vệ, xác định nguyên tắc xây dựng lực lượng tự vệ, đây là những quan điểm đầu tiên, rất cơ bản của Đảng trong xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 9/1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, từ khởi nghĩa, tổ chức vũ trang đầu tiên của Đảng – Đội du kích Bắc Sơn ra đời, báo hiệu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ thành lập các tổ chức quân sự cách mạng, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang giành chính quyền.

Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”4; trong đó, đã quyết định thành lập các đội tự vệ và các tiểu, tổ du kích cứu quốc làm lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở địa phương. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, đặt nền tảng để toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Hội cứu quốc các địa phương đã tích cực tuyển chọn những người hăng hái lập nên các đội tự vệ cứu quốc để bảo vệ quần chúng, bao vây các phần tử phản động. Mỗi xã lại lựa chọn một số đội viên ưu tú lập nên đội tự vệ chiến đấu xã làm lực lượng cơ động, nòng cốt trong canh gác, bảo vệ cán bộ, hội nghị, giữ liên lạc với cấp trên, sắm sửa vũ khí và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tháng 02/1942, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phải tổ chức và củng cố các đội tự vệ và tiểu đội du kích đồng thời phải huấn luyện quân sự cho những tổ chức ấy”5. Theo đó, nhiều nơi trong cả nước đã lập nên các tổ chức vũ trang, chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền.

Cùng với xây dựng lực lượng, Đảng và Bác Hồ còn coi trọng việc xây dựng các khu căn cứ làm nơi đứng chân, xây dựng và củng cố lực lượng. Hai khu căn cứ đầu tiên được xây dựng là Cao Bằng do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo với hoạt động của đội vũ trang Cao Bằng và khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai do Trung ương trực tiếp tổ chức. Cuối năm 1943, hai khu căn cứ này được nối liền, hình thành thế liên hoàn, vững chắc, tạo tiền đề cho sự ra đời Khu giải phóng Việt Bắc, gồm các tỉnh: Cao – Bắc – Lạng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và vùng ngoại vi. Cùng với đó là sự ra đời của các chiến khu kháng Nhật, như: Trần Hưng Ðạo (Ðông Triều), Quang Trung (Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa), Vần – Hiền Lương (Phú Thọ – Yên Bái), Vĩnh Sơn, Núi Lớn (Quảng Ngãi), v.v.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và bài học về xây dựng lực lượng vũ trang

Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình Giải phóng quân Việt Nam chuẩn bị cho buổi Lễ Độc lập ngày 02/9/1945. (ảnh tư liệu)

2. Thành lập lực lượng vũ trang ba thứ quân

Từ thực tiễn hoạt động của Tự vệ Đỏ, Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ, Đảng ta nhận định, dù chiến đấu rất dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khổ, góp phần bảo vệ cán bộ, quần chúng cách mạng, hạn chế được những thiệt hại do địch gây ra, nhưng các tổ chức vũ trang này còn hoạt động phân tán, chưa thống nhất trong xây dựng, phát triển lực lượng, v.v. Để khắc phục tình trạng trên, ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – một hình thức tổ chức quân sự kiểu mới của cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội ta ngày nay, lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định: “Muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”6. Cùng với các đội Cứu quốc quân ra đời trước đó, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân đã bước đầu hình thành, gồm đội quân chủ lực của khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng, các đội du kích tập trung ở các tỉnh, huyện và lực lượng tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu ở các xã. Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang trong cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác) thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15/5/1945, tại Định Biên Thượng (Thái Nguyên) diễn ra lễ hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân và tại khu giải phóng Việt Bắc, các đơn vị Giải phóng quân của một số tỉnh cũng được thành lập.

Từ cuối tháng 5/1945, trên cả nước, các tổ chức cứu quốc cũng lập nên các đội tự vệ, du kích tập trung, như: Chiến khu Trần Hưng Đạo, đội du kích khi mới thành lập có khoảng 200 người, nhưng sau hơn một tháng đã lên tới 500 người. Chiến khu Quang Trung, ngoài các trung đội tự vệ chiến đấu còn có 01 trung đội vũ trang Giải phóng quân thường trực. Tại nhiều địa phương khác, như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Đông, Hà Nam, Hòa Bình,… các đội tự vệ cứu quốc và các đội du kích tập trung cũng được xây dựng và phát triển. Khu vực miền Trung, các đội tự vệ công nhân, tự vệ cứu quốc được thành lập ở Vinh, Bến Thủy; các xã của Thừa Thiên – Huế có cơ sở Việt Minh đều có các tiểu đội, trung đội tự vệ; lực lượng du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) khi thành lập chỉ với 01 trung đội, nhưng sau 5 tháng đã phát triển thành hai đại đội du kích tập trung ở hai chiến khu Vĩnh Sơn và Núi Lớn, v.v. Riêng Hà Nội, đến trung tuần tháng 8/1945, “lực lượng tự vệ chiến đấu tập trung lên tới 03 chi đội với hơn 700 người, ngoài ra còn vài nghìn tự vệ chiến đấu tại chỗ”7. Nhiều tỉnh còn lập ra các đội thanh niên xung phong vũ trang, các đội “Danh dự” trừ gian, diệt phản.

3. Sử dụng lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Từ tháng 5/1945, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống Nhật và tay sai phát triển mạnh mẽ, hướng tới Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Tiêu biểu là lực lượng vũ trang Chiến khu Trần Hưng Đạo đã giải phóng một số huyện của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, v.v. Khi được tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh, Đảng và Bác nhận định, thời cơ giành chính quyền đã đến, ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ban hành “Quân lệnh số 01”, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa, kêu gọi Quân giải phóng Việt Nam “hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trấn của địch; đánh chẹn đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng”8.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa, các đơn vị Giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, mở đường cho quần chúng vùng lên giành chính quyền. Từ căn cứ Tân Trào, một đơn vị vũ trang chủ lực tiến về Thái Nguyên, phối hợp với nhân dân lập chính quyền cách mạng và tiến thẳng về Hà Nội. Tại Lạng Sơn, đơn vị Giải phóng quân cùng nhân dân đánh đồn Đồng Mỏ, buộc quân Nhật phải xin hàng; các du kích của Chiến khu Vần – Hiền Lương, sau một ngày kịch chiến với quân Nhật, đã buộc chúng phải cử người điều đình, chấp nhận giao nộp vũ khí. Tổ tự vệ Phúc Yên được vũ trang đã hỗ trợ đoàn biểu tình bao vây, giải tán chính quyền địch. Từ chiến khu Vĩnh Sơn, Đại đội du kích Phan Đình Phùng đã tỏa đi đánh chiếm các đồn, sau đó phối hợp với Đại đội du kích Hoàng Hoa Thám làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giải phóng các huyện và chiếm tỉnh lỵ Quảng Ngãi, v.v. Nhiều địa phương trên cả nước, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng và Ủy ban khởi nghĩa, đội quân chính trị to lớn của quần chúng nhân dân được các đội vũ trang hỗ trợ đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, hơn 10 vạn nhân dân Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng và nhanh chóng chuyển thành cuộc Tổng khởi nghĩa. Được sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, nhân dân Hà Nội lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch, như: Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Trại Bảo an, v.v. Cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Hà Nội thắng lợi, đánh dấu sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa, thúc đẩy các địa phương trên cả nước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Với lực lượng vũ trang làm chỗ dựa, đấu tranh vũ trang làm nòng cốt, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã nhanh chóng giành thắng lợi, hạn chế thương vong. Rõ ràng, “… nếu Đảng ta trước đó không xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập những khu căn cứ rộng lớn để làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị, và khi điều kiện đã chín muồi không mau lẹ phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang thì cách mạng cũng không thể mau chóng giành được thắng lợi”9.

Xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh cách mạng là một quá trình lâu dài, bền bỉ và phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Có như vậy, cho dù địch có đàn áp tàn bạo thế nào, thì lực lượng này cũng không bị tiêu diệt mà tiếp tục được duy trì, phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng hùng hậu, giữ vai trò nòng cốt cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Thực tiễn chuẩn bị, xây dựng và phát huy vai trò lực lượng vũ trang trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là bài học quý vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG