Thursday, March 28, 2024

Chủ nghĩa bằng cấp

Vụ bán bằng giả ở Đại học Đông Đô không chỉ là một vụ án đơn thuần mà nó là hồi chuông báo động về chủ nghĩa bằng cấp ở Việt Nam hiện nay, thứ đang biến con người trở thành nô lệ của bằng cấp thay vì tham chiếu trên chính năng lực thực.

Lối tắt bằng giả

Trên mạng xã hội nổi tiếng Quora từng có một câu hỏi khá thú vị như thế này: Nếu cố nhà sáng lập của Apple là Steve Jobs không có bằng đại học, vậy thì tại sao mọi người lại cần bằng đại học để được nhận vào làm việc cho tập đoàn này?

Câu trả lời nhận được nhiều nút đồng tình (upvote) nhất có nội dung như sau: “Hãy tạm bỏ qua chuyện trình độ của Steve Jobs, chắc bạn cũng đồng tình rằng công việc của bộ phận tuyển dụng là “tìm ra ứng viên phù hợp”.

Bây giờ, khi một công ty nổi tiếng như Apple tuyển bất kỳ vị trí nào, tôi đoán là họ có thể nhận được cả trăm hồ sơ cho một vị trí việc làm, giờ thì ta có một thách thức cho bộ phận nhân sự. Làm thế nào bạn có thể lọc được những người này, những người bạn thậm chí có thể muốn phỏng vấn hoặc không? Nếu bạn phải phỏng vấn tất cả các ứng viên, nó có thể tốn rất nhiều giờ.

Vì vậy, bạn cần một số loại chỉ số mà bạn có thể sử dụng như một công cụ kiểm tra để lọc ra những người bạn muốn trò chuyện. Và may/hoặc không may là trong thế giới hiện đại, điều này được gọi là bằng cấp.

Tất nhiên, bạn sẽ luôn tìm thấy những người tài năng, những người chưa từng đến một lớp học nào ở bất kỳ trường đại học nào. Nhưng, từ góc độ đơn giản là tìm một người có thể làm được việc X, cách dễ nhất để tăng cơ hội tìm thấy họ là bằng cấp.

Câu trả lời này có thể chấm dứt những tranh cãi quanh nhu cầu bằng cấp, nhờ chỉ ra được bản chất của việc chọn người thông qua tấm bằng của anh ta: về mặt xác suất, thì trong số 100 người có bằng đại học, khả năng là một tổ chức sẽ chọn ra được tỉ lệ người làm được việc cao hơn nếu cố lựa ra từ 100 người không có bằng đại học.

Chủ nghĩa bằng cấp

Ảnh: L.G

Đấy đơn giản là một “lối tắt” để chúng ta có thể tăng tốc độ lựa chọn. Một người không có bằng cấp kiểu Steve Jobs là dạng kỳ nhân, triệu người mới có được một.

Nhưng, lý thuyết xác suất này dường như đang diễn ra ngược lại ở Việt Nam. Trong vụ án nghiêm trọng ở Đại học Đông Đô mới bị phanh phui, cơ quan chức năng phát hiện trong số 626 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh do trường này cấp, chỉ làm việc được với 217 trường hợp (bao gồm 1 người đã chết) và có đến 193 người đã được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh mà không cần qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử, trong đó 55 người đã sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 người thi nâng ngạch thanh tra viên và 1 sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Tức là xác suất để chọn ra một người biết tiếng Anh từ những trường hợp đã được cấp bằng ngoại ngữ này thậm chí có thể thấp hơn nhiều lần việc đi tìm trong cộng đồng người bản xứ ở một bản làng du lịch ở Sapa (Lào Cai). Tấm bằng lúc này không còn là một lối tắt để lựa chọn người phù hợp nữa.

Cuối năm ngoái, một nữ trưởng phòng hành chính – quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) bị phát hiện dùng bằng cấp 3 giả (lấy từ chị gái) để làm việc và thăng tiến. Trong nhiều năm, qua 3 đời chánh văn phòng tỉnh ủy, bà này đã đi học trung cấp, liên thông lên đại học, học đến thạc sĩ và leo lên vị trí trưởng phòng trót lọt.

Đấy là sự báo động không chỉ của giáo dục: tấm bằng mà chúng ta cứ nghĩ rằng đã đào tạo ra một cán bộ phù hợp và có năng lực cho hệ thống, hóa ra không quan trọng đến thế. Có người dùng bằng giả, chẳng học hành vẫn có thể làm việc sờ sờ ra đấy, thậm chí leo cao trong hệ thống, như một trò đùa.

Dĩ nhiên, không phải vì họ là Steve Jobs, có năng lực đến nỗi bằng cấp chỉ là hình thức (đến độ đi mua cho nó nhanh). Bà trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nói ở trên về sau khai nhận rằng mình làm giả bằng cấp 3 để vào nhà nước vì chỉ mong có một công việc mưu sinh, chứ chẳng mưu cầu to lớn gì. Hãy cứ cho là bà nói thật thì đơn giản là chúng ta không có một hệ thống đào thải đủ mạnh: nếu công việc trong cơ quan nhà nước có thể trở thành một cuộc sát hạch khốc liệt về trình độ của những người đi mua bằng thì bằng giả sẽ không thể thành một phong trào đương nhiên như con voi trong phòng như vậy.

Nhưng, đào tạo nguồn lực và tuyển chọn con người vào hệ thống công quyền dường như luôn ngược lại với thị trường lao động thông thường. Các công ty tư nhân chọn nhân sự bằng các quy trình tuyển lựa khắt khe, thử lửa họ bằng các KPI (chỉ số đo hiệu suất làm việc), thu hút họ bằng đãi ngộ và triết lý doanh nghiệp; trong khi tuyển dụng vào cơ quan nhà nước nhiều năm có thể chỉ dựa trên sự quen biết, hiệu quả dựa trên sự đánh giá của cấp trên trực tiếp mang tính hành chính hơn là con số khách quan và mức lương phẩy cơ bản vài triệu đồng.

Dường như có rất ít lựa chọn để chống lại sự tha hóa về bằng cấp khi đã bước chân vào hệ thống công quyền: chúng ta đang có một mê hồn trận những chứng chỉ và văn bằng cần có (mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ – tin học “hành” công chức, viên chức nhiều năm) nhưng lại rất ít công việc đủ để thử lửa chính xác từng ấy loại bằng cấp. Một cử nhân bằng giỏi đi học nước ngoài về nếu làm không đúng chỗ vẫn có thể phải pha nước chè chán chê trước khi được giao việc đúng chuyên môn. Và, có cả những cán bộ bận bù đầu cũng vẫn phải cố “làm xong” chứng chỉ, văn bằng để đủ điều kiện nâng lương hoặc thăng tiến.

Thứ chủ nghĩa hình thức này làm các công chức, viên chức hao tốn sức lực vào một cuộc chạy đua bằng cấp tốn kém và vô nghĩa. Hãy gõ từ “bằng cấp” lên thanh tìm kiếm Google và bạn sẽ hiểu rằng chúng ta có cả một thị trường cho những tấm giấy vô nghĩa này. Những tấm bằng có thể chẳng liên quan gì đến bạn ngoài cái mặt trên tấm ảnh được dán lên và những cái tên nhưng nó có thể là tương lai, sự nghiệp, thậm chí là địa vị của bạn. Được xây trên cát cũng được.

Steve Jobs không thể sống lại để trả lời câu hỏi đầu bài viết này nhưng bất kỳ một trưởng, phó phòng thuộc diện mua bằng nào cũng có thể thử trả lời nó, để nhận ra sự vô nghĩa của “lối tắt” ấy. Đây không phải cạnh tranh mà là một cuộc đua mua bán cơ hội kéo dài bất tận mà qua đó, “người chơi” tự hạ thấp chính mình và tước đi cơ hội của những ứng viên xứng đáng hơn.

Nếu cơ quan nhà nước vẫn là nơi mà nhiều người vẫn ấm chỗ dù không cần làm việc hiệu quả thì thị trường mua bán bằng cấp luôn có cơ hội.

(Phạm An)

Đã đến lúc “xé vé”?

Cách đây chưa lâu, cơ quan tôi có đợt kiểm tra bằng cấp đột xuất theo đúng quy định của ngành. Mỗi cá nhân trong đơn vị đều phải photo có chứng thực các bằng cấp của mình và mang cả bản gốc đến để đối chiếu. Quả thực, đó là một đợt kiểm tra “tốn kém” nhất đối với riêng bản thân tôi. Đơn giản, mọi bằng cấp của mình, tôi đều để lại ở Hà Nội, tại nhà của cha mẹ. Thế nên, phải tốn một chiếc vé máy bay khứ hồi ra tận nơi, lục tung tủ hồ sơ cũ của ông cụ để kiếm tìm chính tấm bằng đại học của mình.

20 năm nay, kể từ ngày vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, đây là lần đầu tiên tôi đụng tới chiếc bằng đại học của mình. Và, kể từ năm tốt nghiệp đại học, 1998, đây cũng là lần thứ ba tôi phải sử dụng bản photo bằng đại học. Trong 2 lần trước, một lần là nộp hồ sơ vào đơn vị tôi làm việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp, ở Gia Lâm, Hà Nội. Còn lần thứ hai là để hoàn tất hồ sơ làm việc ở chính cơ quan của tôi hiện nay.

Không biết những bạn bè cùng học với tôi thì như thế nào. Còn riêng đối với bản thân, thực sự tôi quên bẵng đi mình đã có một tấm bằng đại học để ở nhà. Nghe không hẳn là hơn 4 năm dùi mài kinh sử ở giảng đường đại học đã trở nên vô ích. Ngược lại là khác, 4 năm ấy rất có ích. Nhưng, trong suốt quá trình làm việc hơn 20 năm trời, chưa bao giờ tôi cần tấm bằng kia để chứng minh rằng mình có đi học đại học.

Chủ nghĩa bằng cấp

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: L.G.

Sau công ty đầu tiên mà tôi làm việc lúc vừa tốt nghiệp, tôi có cái may mắn là không bao giờ phải nộp đơn xin việc. Những công việc tôi có được đều đến từ sự biết về năng lực của nhau và rủ rê nhau về làm chung cả. Chính vì cái việc đã tường tận nhau đến thế khiến tấm bằng của tôi không phát huy giá trị “chứng minh một con người” của nó. Nó chỉ làm được đúng một việc: để hoàn tất bộ hồ sơ đúng theo yêu cầu của tổ chức, của ngành, của Luật Lao động trong việc tính bậc, ngạch lương.

Nhưng, nói gì thì nói, phải thừa nhận là tôi có may mắn. May mắn thứ nhất là mối quan hệ của tôi khá rộng và tôi hoạt động cũng khá đa dạng ngành nghề. Do đó, cơ hội chứng minh bản thân mình trong các mối quan hệ đó thông qua kết quả các công việc đã thay thế cái việc “chứng minh một con người” của tấm bằng và hơn thế nữa, nó tạo được niềm tin chắc chắn hơn.

May mắn thứ hai là tôi được làm việc đa số trong môi trường mà người sử dụng lao động có suy nghĩ thực dụng hơn, trực diện hơn. Họ không quan tâm đến bằng cấp. Họ chỉ quan tâm đến năng lực và năng lượng trong mỗi con người. Bởi thế, cơ hội của tôi mới tồn tại.

Giả sử tôi hoạt động ở một lĩnh vực khác, đi theo một con đường rất chung mà nhiều người đang đi, có thể lúc này tôi cũng quay quắt vì bằng cấp như ai đó. Và biết đâu, trong quá trình phấn đấu cho một vị trí xã hội nhất định, có khi tôi cũng phải bổ sung vào hồ sơ cá nhân của mình những tấm bằng khác nữa. Dễ hiểu, chúng ta đang sống trong một xã hội mà tấm bằng được đánh giá quá mức so với giá trị cơ bản của nó. Chủ nghĩa bằng cấp đã và đang chi phối quá mạnh hoạt động nhân sự ở rất nhiều cơ quan, ban ngành và nó lấn át luôn cả thứ quan trọng hơn tất thảy: đánh giá đúng con người qua năng lực.

Chủ nghĩa bằng cấp

Ảnh: L.G.

Tôi có người bạn, sau thời gian làm việc cho một cơ quan nhà nước đã phải bỏ ra ngoài để đi làm cho tư nhân. Anh từng là một người rất có năng lực trong cơ quan nhà nước kia, được đánh giá rất cao nhưng chỉ vì anh bỏ dở năm cuối đại học và không có bằng nên dẫn tới chuyện bậc ngạch lương của anh không được ngang bằng những cộng sự của mình và cơ hội thăng tiến là không có.

Anh chuyên về công nghệ thông tin và chưa bao giờ được đặt lên ghế trưởng phòng ở cơ quan cũ, dù anh là người thâm niên nhất, hiểu biết, giỏi giang nhất và luôn lãnh đạo nhóm trong các công việc cụ thể. Rời cơ quan ấy, anh được chọn làm phó giám đốc kỹ thuật của một công ty công nghệ với mức lương 1 năm đủ mua 3 cái xe hơi.

Rõ ràng, trong trường hợp của bạn tôi, tôi đánh giá là nhà nước đã đánh mất một người tài chỉ vì chủ nghĩa bằng cấp. Trong khi đó, vấn nạn công chức vô danh sáng cắp ô đi, tối cắp ô về vẫn đầy rẫy. Họ hơn bạn tôi những gì? Chẳng gì khác ngoài tấm bằng. Và tôi chưa nói đến chuyện tấm bằng ấy đến từ thực học hay từ đi mua vội. Chỉ cần nói đến chuyện chủ nhân của nó có thực tài hay không mà thôi. Vâng, nói về thực tài, chúng ta đừng bỏ qua một thực tế buồn nhiều năm nay là một số công chức rất có tài trong việc chém gió, cúp giờ làm, la cà quán xá và vô trách nhiệm.

Trong chính cái chủ nghĩa bằng cấp nặng nề ấy, có một thứ rất nực cười là nhiều bộ hồ sơ có lý lịch chỉ là thứ lý lịch cá nhân in mẫu sẵn thông thường, với phần lý lịch công tác rất chung chung.

So sánh với các hồ sơ để nộp cho các công ty, tập đoàn, tổ chức tư nhân, chúng ta sẽ thấy khác một trời một vực. Lý lịch ở các bộ hồ sơ cho các đơn vị ngoài quốc doanh rất chú trọng phần công tác. Thời gian nào, làm việc ở đâu, giữ cương vị gì, làm công việc gì, trách nhiệm ra sao, thành quả thế nào đều được thể hiện chi tiết và cụ thể.

Hơn thế nữa, ở mỗi lý lịch công tác ấy còn có cả phần “tham khảo”. Phần này ghi rõ tên, chức danh, địa chỉ, số điện thoại của người sẽ minh chứng cho chủ thể của lý lịch về một quá trình công tác, về năng lực cá nhân. Và ai nặng ký hơn thì bên cạnh phần tham khảo kia còn có thể có cả thư giới thiệu của một cá nhân uy tín thực sự đủ để người nhận hồ sơ cảm thấy vững tin.

Nói về thư giới thiệu, chúng ta từng nói về chuyện thư tay gửi người vào một cơ quan nào đó. Đây không phải là thứ đặc sản của cơ chế quan liêu ngày xưa mà chúng ta cứ hay định kiến. Thư giới thiệu là thứ loài người đã sử dụng lâu rồi. Tiến cử ai đó là một hành động đẹp khi sự tiến cử là vô tư, trong sáng chứ không phải kiểu dùng uy quyền để ép buộc một người phải nhận người thân của mình vào làm việc.

Đã có bao nhiêu trường hợp nhân tài trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng chính lá thư tiến cử của một giáo sư đã giảng dạy mình ở trường đại học rồi. Khi ấy, giá trị của lá thư đã vượt qua giá trị của tấm bằng đại học bởi nó mang sức nặng của kiểm chứng thực tế chứ không phải chỉ đơn giản là một tờ giấy minh định nhân thân một con người.

Tấm bằng vẫn rất quan trọng, bởi trong hàng ngàn, thậm chí chục ngàn hồ sơ gửi về một nơi nào đó, không ai có đủ thời gian và công sức để kiểm định năng lực của từng ứng viên. Họ cần bộ lọc ban đầu là tấm bằng. Sau đó mới gặp gỡ trực tiếp để thẩm định ban đầu. Có thể nói, tấm bằng như cái vé vào cửa. Vậy thì tại sao sau khi đã được vào cửa rồi, người “kiểm soát vé” không “xé vé” đi để thẩm tra bằng năng lực thực mà cứ phải vin vào tấm bằng để quyết định khả năng thăng tiến của một con người?

Và cái đáng buồn hơn là chuyện nhận định năng lực của một cá nhân trong hệ thống của một cơ quan nhà nước. Thực tế, nếu đưa một nhân viên có chuyên môn đặc biệt vào một cơ quan nhà nước nào đó, ví dụ như một kỹ sư công nghệ thông tin hay một chuyên gia phân tích tài chính nào đó chẳng hạn, tôi dám chắc rằng không ít lãnh đạo đơn vị không thể đánh giá chính xác người ấy có làm được việc hay không sau 3 tháng thử việc.

Dễ hiểu, có khi chính bản thân lãnh đạo cũng không có thực lực. Và một khi lãnh đạo không có thực lực, họ đánh giá nhân viên bằng cách nào? Thế là lại dựa vào chủ nghĩa bằng cấp ư? Chúng ta là chủ nhân của bằng cấp hay là nô lệ của chúng?

Đã đến lúc phải “xé vé” rồi, để các tấm bằng không thể ám ảnh mãi một cá nhân và rộng hơn là cả một xã hội. Và cũng đã đến lúc mở rộng để tự các trường được quyền cấp bằng mà không cần phải thông qua Bộ Giáo dục.

Đừng vội nghĩ việc các trường tràn lan cấp bằng như thế sẽ làm vấn nạn mua bằng càng phát triển hơn. Khi chính các trường phải đánh cược uy tín và danh dự của họ trên từng tấm bằng họ cấp cho sinh viên, lúc ấy chuyện mua bằng sẽ trở nên khó khăn vô cùng, thậm chí có thể bị triệt tiêu đến mức tối đa. Đơn giản, đó là lúc trách nhiệm cấp bằng quy về đúng chỗ ấn hành ra nó chứ không phải trách nhiệm chung đổ dồn lên Bộ Giáo dục như hôm nay.

Hãy nhìn lại vụ Đại học Đông Đô và đặt ra câu hỏi “Liệu bây giờ có ai còn tin vào bằng mà Đại học Đông Đô đã cấp hay không?”. Chính câu hỏi này mới là điều đáng được bàn luận nhất ở vụ án kể trên. Số người tin vào bằng của Đại học Đông Đô mà trở về với con số 0 thì những cá nhân lăm le buôn bằng gắn mác Đại học Đông Đô biết bán cho ai bây giờ.

Hơn tất cả, chính những kẻ bán bằng ở Đại học Đông Đô nợ những sinh viên từng học ở đó rất nhiều. Chính vì họ mà cả bao khóa sinh viên có học hành đàng hoàng ở đại học này đã bị rơi vào thế “mất uy tín”. Ai bồi thường được danh dự cho họ? Tấm vé nào giúp họ kiếm tìm cơ hội khác trong đời? Chẳng lẽ họ phải đi học lại để kiếm bằng từ một trường khác hay sao?

Xé vé đi thôi. Xé vé đi thôi.

(Hà Quang Minh)

Hồ sơ đẹp và năng lực thật

Vì sao một lượng lớn tiền tươi thóc thật được đổ vào Trường Đại học Đông Đô để mua bằng cử nhân tiếng Anh giả? Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT quy định nếu thí sinh có “bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục); hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, thì khỏi cần thi các chứng chỉ B1, B2. Oái oăm thay, nếu các chứng chỉ B1, B2 cứ 2 năm phải thi lại một lần thì bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp (tương đương với bằng đại học được đào tạo ở nước ngoài) có giá trị vĩnh viễn.

Cho nên, các học viên cao học thừa khôn ngoan để quyết tâm sở hữu cái bằng cử nhân tiếng Anh của Đại học Đông Đô để thoải mái sử dụng khi cần thiết. Có bằng cử nhân tiếng Anh thì có cơ hội thành nghiên cứu sinh, có cơ hội thành tiến sĩ, có cơ hội được thăng chức, nâng lương.

Chủ nghĩa bằng cấp

Ảnh: L.G.

Bằng cấp vốn không phải thứ xấu xa nhưng bằng cấp giả sẽ gây bao nhiễu loạn cho xã hội. Bằng cấp giả không chỉ tạo ra giá trị giả mà còn tạo ra giá trị ảo. Vì sao nói như vậy? Vì bằng cấp giả có 2 cấp độ, cấp độ thấp là bằng cấp giả về mặt hành chính, cấp độ cao là bằng cấp giả về mặt khoa học. Cấp độ thấp thì bằng cử nhân tiếng Anh giả ở Đại học Đông Đô là ví dụ điển hình, còn cấp độ cao chính là những bằng cấp thạc sĩ và tiến sĩ không có tác dụng tích cực gì cho đời sống.

Bằng cấp giả hướng đến hồ sơ đẹp cho tham vọng cá nhân. Cho nên, hồ sơ đẹp càng ngày càng có khoảng cách với năng lực thật của một bộ phận được gọi là “trí thức”. Vì sao Việt Nam có đến 25 nghìn tiến sĩ mà lại ít công trình khoa học như vậy? Đấy là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và có lẽ hỏi cũng đã là trả lời rồi.

Muốn đẩy lùi tệ nạn bằng cấp giả, không có con đường nào khác là con đường tôn trọng và phát huy năng lực thật của con người. Hãy nhìn hành vi, đừng nhìn bằng cấp. Hãy nhìn công việc, đừng nhìn con người. Chỉ cần thay đổi thói quen trọng thị đến mức hệ lụy vào bằng cấp, mọi chuyện có thể sẽ khác đi.

Bằng cấp giả, năng lực thật và hồ sơ đẹp đang giống như một vòng tròn lẩn quẩn khóc cười của đời sống Việt Nam.

(Lê Thiếu Nhơn)

Phạm An – Hà Quang Minh – Lê Thiếu Nhơn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG