Tuesday, March 19, 2024

Biểu tình sắc tộc Mỹ đối mặt xung đột đảng phái

 

Làn sóng biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc và cải cách cảnh sát có thể không tạo ra thay đổi lớn vì mâu thuẫn đảng phái ở Mỹ.

Cơn thịnh nộ của người dân bắt nguồn từ vụ George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị cảnh sát ghì chết hồi cuối tháng 5. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, với đám đông hô vang khẩu hiệu “Mạng sống người da màu quan trọng”, “Không công lý, không hòa bình”.

Phong trào biểu tình rầm rộ nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát cuối cùng cũng được các chính trị gia lắng nghe. Tuy nhiên, quá trình cải cách lực lượng cảnh sát theo yêu cầu của họ được cho là sẽ không đạt được bước tiến đáng kể nào, do những xung đột đảng phái giữa phe Dân chủ và Cộng hòa.

Biểu tình sắc tộc Mỹ đối mặt xung đột đảng phái

Người biểu tình tập trung tại một công viên ở thành phố New York, Mỹ, hôm 24/6 nhằm kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát. Ảnh: Reuters.

Tại bang Minnesota, cái chết của Floyd đã dẫn đến một số thay đổi. Đáp lại nguyện vọng của người biểu tình, Thống đốc Tim Walz, thành viên đảng Dân chủ, kêu gọi cơ quan lập pháp bang tổ chức một phiên họp đặc biệt nhằm xem xét những biện pháp cải cách cảnh sát khẩn cấp. Ông cho biết các biện pháp này nhắm tới việc giải quyết tình trạng bạo lực của cảnh sát, trợ cấp để tái xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương cũng như cơ chế trách nhiệm và minh bạch.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp bang không thể hiện nhiều nỗ lực, với bầu không khí đậm tính đảng phái bao trùm. Thượng viện bang do phe Cộng hòa kiểm soát và hạ viện do phe Dân chủ chiếm đa số bất đồng trong gần 20 biện pháp cải tổ lực lượng cảnh sát Mỹ.

Phe Dân chủ hướng tới mục tiêu chấm dứt huấn luyện cảnh sát theo kiểu thiên về vũ lực cũng như cấm các chiến thuật khống chế nghi phạm bằng cách kẹp và ghì cổ. Trong khi đó, phe Cộng hòa ở thượng viện bang Minnesota đưa ra những cải cách quy mô hẹp hơn.

Kết quả là phiên họp đặc biệt do Thống đốc bang Minnesota kêu gọi “hoàn toàn công cốc”. “Người dân Minnesota hẳn sẽ thất vọng sâu sắc. Đây là một thất bại trong việc thay đổi mọi thứ, một sự thất hứa. Dường như các cơ quan lập pháp có xu hướng đổ lỗi cho người khác”, Walz nói trong buồn rầu.

Kế hoạch cải cách cảnh sát tại Minneapolis cũng mù mờ, chưa có những chi tiết cụ thể và được cho là khó có thể ban hành sớm, dù hội đồng thành phố này hôm 26/6 bỏ phiếu nhất trí thay thế sở cảnh sát bằng một cơ quan mới “tập trung vào an toàn cộng đồng và tránh bạo lực”.

“Chúng tôi cam kết giải tán cảnh sát tại thành phố Minneapolis và tái xây dựng cộng đồng, một mô hình an ninh công cộng mới thực sự giữ an toàn cho người dân”, Lisa Bender, chủ tịch hội đồng thành phố Minneapolis, phát biểu hồi đầu tháng. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn cần sự đồng ý từ các lãnh đạo thành phố khác, cũng như phụ thuộc vào lựa chọn của cử tri trong tháng 11.

Tình trạng mâu thuẫn đảng phái ảnh hưởng tới quá trình thông qua các biện pháp cải tổ cảnh sát không chỉ diễn ra tại Minnesota, mà còn trên quy mô liên bang. Tuần trước, phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã ngăn chặn một dự luật cải cách của phe Cộng hòa, cho rằng nó không thỏa đáng.

Phe Dân chủ muốn có điều khoản cấm cảnh sát ghì và kẹp cổ nghi phạm, biện pháp mà một số thành phố Mỹ đã đơn phương áp dụng, cùng vài đề xuất khác, nhưng chúng không xuất hiện trong dự luật của đảng Cộng hòa. “Dự luật nửa vời đó không bao gồm những điều chúng ta nên làm, đấy mới là cải cách cảnh sát thực sự”, thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono cho hay.

Tại Hạ viện Mỹ, phe Dân chủ hôm 25/6 thông qua những biện pháp cải cách cảnh sát trên diện rộng của riêng họ, bao gồm kêu gọi hạn chế quyền miễn trừ cho cảnh sát, cấm chiến thuật ghì cổ và loại bỏ phần khai về sắc tộc trên giấy tờ, hồ sơ. Tuy nhiên, Thượng viện được cho là sẽ không phê chuẩn dự luật này. Tổng thống Donald Trump cũng không có khả năng ký thông qua nó.

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng nỗ lực thể hiện vai trò lãnh đạo giữa cuộc tranh luận. Tuy nhiên, sắc lệnh hành pháp về cải cách cảnh sát mà Trump ký hôm 16/6 bị nhiều thành viên đảng Dân chủ chỉ trích. Thượng nghị sĩ California Kamala Harris chỉ ra rằng sắc lệnh khuyến khích cải cách, nhưng không có cơ chế thực thi rõ ràng.

Biểu tình sắc tộc Mỹ đối mặt xung đột đảng phái

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cải cách cảnh sát tại Nhà Trắng hôm 16/6. Ảnh: Reuters.

Ví dụ, sắc lệnh kêu gọi cấm các nhân viên thực thi pháp luật ghì cổ nghi phạm, nhưng ngoại trừ “những trường hợp việc sử dụng vũ lực gây chết người được pháp luật cho phép”. Đây có thể là kẽ hở giúp cảnh sát tiếp tục sử dụng biện pháp ghì cổ nếu họ lo sợ tính mạng bị đe dọa.

Việc cấm cảnh sát ghì cổ nghi phạm được cho là còn gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng trong một số tình huống nguy hiểm nhất định, khi cảnh sát phải chiến đấu vì chính mạng sống của họ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Thêm vào đó, mặc dù sắc lệnh của Trump nhắm tới những sĩ quan “lạm dụng” thẩm quyền, bản thân ông lại từng ca ngợi sự mạnh tay của lực lượng phụ trách vấn đề nhập cư. “Khi chứng kiến những tên côn đồ đó bị ném vào trong xe cảnh sát, tôi đã nói rằng ‘Làm ơn đừng quá tuyệt như vậy'”, ông chủ Nhà Trắng từng nói trước đám đông cảnh sát ở bang New York, trong tiếng vỗ tay vang dội.

Nhiều nhà hoạt động kêu gọi Mỹ ngay lập tức cải cách cảnh sát, nhưng vẫn có một số nhóm dường như bằng lòng với sự trì hoãn. Hôm 22/6, Bob Kroll, chủ tịch công đoàn cảnh sát Minneapolis, cho biết ông chưa đọc hết những dự luật mà cơ quan lập pháp bang đang xem xét. Ông tỏ ra thận trọng trước việc cải cách quá vội vàng. “Mọi người đều phải dừng lại một lúc đã”, Kroll nói.

Trong khi công đoàn cảnh sát Minneapolis kêu gọi thêm thời gian để thay đổi, những người đòi cải cách tư pháp hình sự cho rằng nhiều mạng sống vẫn gặp nguy hiểm mỗi ngày, chừng nào những quy định mới hạn chế cảnh sát lạm dụng vũ lực chưa được thông qua.

Trong cuộc biểu tình gần đây bên ngoài nơi ở của Thống đốc Minnesota, một bà mẹ tên Del Shea Perry cho biết con trai bà thiệt mạng hồi năm 2018, khi đang ngồi tù vì bị tình nghi có hành vi bạo lực gia đình.

Perry nói rằng bà cùng các gia đình khác vẫn cố gắng hết sức để gây chú ý với giới lãnh đạo, thúc đẩy họ thực hiện hành động cụ thể để loại bỏ những cảnh sát tồi tệ. “Tôi là nhà truyền giáo, không phải nhà hoạt động, nhưng đã bị đẩy vào vai trò này”, bà cho hay.

Khi được hỏi bà sẽ tiếp tục làm gương mặt đại diện cho công chúng nhằm kêu gọi cải cách cảnh sát đến khi nào, Perry trả lời: “Cho đến khi chúng tôi đòi được công lý”.

“Nếu không giành được điều đó ngay bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ có được nó”, người phụ nữ nói thêm.

Ánh Ngọc (Vnexpress theo CNN)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG