Thursday, March 28, 2024

WHO cảnh báo miễn dịch cộng đồng ‘nguy hiểm’

 

Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc May 13, 2020
,

WHO lên án việc áp dụng khái niệm miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 là “nguy hiểm”, cảnh báo rằng “không ai an toàn”.

“Đây là một dịch bệnh nguy hiểm, là kẻ thù số một của cộng đồng. Chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều này rất nhiều lần”, Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),  nói tại cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sĩ, hôm 11/5. “Không ai có thể an toàn cho tới khi mọi người đều an toàn. Vì thế tôi nghĩ ý tưởng cho rằng một số quốc gia có thể buông lỏng các biện pháp rồi bất ngờ đạt được miễn dịch cộng đồng một cách kỳ diệu, bỏ lại một số người cao tuổi trên chặng đường đó, thực sự là một cách tính toán rất nguy hiểm”.

WHO cảnh báo miễn dịch cộng đồng 'nguy hiểm'

Tiến sĩ Mike Ryan trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 11/5. Ảnh: AFP

“Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm vaccine. Ví dụ, khi 90-95% dân số được tiêm vaccine, tỷ lệ này đủ để bảo vệ những người không thể tiêm chủng, ví dụ như những trẻ em chưa đến tuổi để được tiêm chủng.

Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus. Tuy nhiên, tiến sĩ Ryan cho hay “con người không phải là bầy đàn” và khái niệm miễn dịch cộng đồng thường được dùng để tính toán bao nhiêu dân số sẽ cần được tiêm vaccine.

“Các quốc gia có trách nhiệm sẽ chăm lo cho tất cả người dân của họ. Họ sẽ coi trọng mọi thành viên trong xã hội và cố gắng làm mọi điều có thể để bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời bảo vệ nền kinh tế và những thứ khác. Chúng ta cần xác định đúng những ưu tiên của mình ngay khi bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến này”, ông nói thêm.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó với Covid-19 của WHO, cho biết những dữ liệu nghiên cứu ban đầu chỉ ra mức độ dân số có kháng thể với Covid-19 rất thấp.

Anh ban đầu cũng theo đuổi ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” khi áp dụng cách tiếp cận chậm rãi với Covid-19, từ chối ban hành các biện pháp kiểm soát quyết liệt, được cho nhằm “buông lỏng” để virus lây lan cho một tỷ lệ đáng kể dân số nhằm xây dựng khả năng miễn dịch.

Tuy nhiên, ngày 23/3, Anh từ bỏ chiến lược này và áp lệnh phong tỏa toàn quốc, khi số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng vọt và chính phủ hứng nhiều chỉ trích về cách chống Covid-19. Anh hiện là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới với hơn 220.000 người nhiễm và hơn 32.000 người chết vì nCoV.

WHO cảnh báo miễn dịch cộng đồng 'nguy hiểm'

Nhân viên đưa thi thể người chết vì Covid-19 đến nhà xác tạm thời ở bãi đỗ xe thành phố Birmingham, Anh, hôm 21/4. Ảnh: Reuters.

Quyết định này của Anh đã vấp phải sự chỉ trích của Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu cũng theo đuổi mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” với chiến lược chống Covid-19 mềm mỏng. Họ không áp lệnh phong tỏa quyết liệt, đặt niềm tin vào ý thức tự giác phòng dịch của người dân thay vì dùng những chế tài bắt buộc.

Nhà dịch tễ học nổi tiếng Anders Tegnell ước tính khoảng 1/4 người dân ở Stockholm có thể đã có khả năng miễn dịch. Ông cho rằng thủ đô Thụy Điển có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng trong vài tuần nữa.

Tuy nhiên, kết quả mà Thụy Điển công bố vấp phải nhiều tranh cãi, khi nhiều chuyên gia chỉ ra tỷ lệ tử vong do nCoV ở quốc gia này đang cao hơn so với những nước láng giềng có quy mô dân số tương tự, bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, những nước áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Thụy Điển đã ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm và hơn 3.300 ca tử vong.


Thanh Tâm (vnexpress theo Telegraph)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG