Tuesday, March 19, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chiến lược quân sự thiên tài, người Cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã dành gần trọn cuộc đời mình để nghiên cứu lý luận, đề ra đường lối xây dựng, tổ chức và trực tiếp lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, trong đó tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người, có vai trò đặc biệt quan trọng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân và công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tư tưởng đó của Người không chỉ được thực tiễn lịch sử khẳng định, mà giá trị và ý nghĩa hiện tại vẫn còn vẹn nguyên, mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh” ở các triều đại phong kiến Việt Nam, đồng thời phát triển tư tưởng của Ăng-ghen, Lênin về xây dựng các “đội dân cảnh”, “quân đội thường trực”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tư tưởng ấy được thể hiện ngay trong Chỉ thị của Người về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực…, trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”1. Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát triển, trở thành mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của Đảng ta, phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Qua đó, đã phát huy hiệu quả sức mạnh toàn dân đánh giặc; kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tác chiến của các binh đoàn chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng; phát triển và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các thủ đoạn tác chiến để tiêu diệt địch ở mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi vũ khí, làm cho các đội quân viễn chinh xâm lược hùng mạnh nhất thế giới của thế kỷ XX phải sa lầy, lần lượt thất bại trong thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân

Quang cảnh buổi Lễ thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ngày 02/9/1945). (ảnh tư liệu)

Ngày nay, trước sự xuất hiện nhiều loại hình tác chiến hiện đại trong các cuộc chiến tranh diễn ra gần đây, nếu xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến của chúng ta vẫn sẽ là kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự, kinh tế hơn ta nhiều lần. Để chuẩn bị đất nước đối phó thắng lợi các cuộc chiến tranh xâm lược của địch, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định: Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng; xây dựng lực lượng tác chiến điện tử, lực lượng đối phó với chiến tranh mạng… sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi hình thức chiến tranh, trên tất cả các môi trường tác chiến. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao. Đây chính là sự kế thừa, phát triển sáng tạo giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân trong thời kỳ mới của Đảng, bảo đảm cho lực lượng này luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh xâm lược.

Thực hiện đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân được xây dựng và phát triển phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước và yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Toàn quân đã và đang đẩy mạnh thực hiện “ba khâu đột phá”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, biên chế của Quân đội; huấn luyện và đào tạo; năng lực chỉ huy tham mưu tác chiến, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội, cải cách hành chính và làm chủ công nghệ cao. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”; chất lượng chuyên nghiệp quân sự từng bước được nâng lên; công tác quản lý cả con người, phương tiện, trang bị chặt chẽ, khoa học; thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, động viên kiểm tra sẵn sàng chiến đấu; có kế hoạch động viên công nghiệp phù hợp, bảo đảm tận dụng được thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; vũ khí, trang bị phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực, từng bước nâng cao khả năng chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở.

Song song với mô hình tổ chức ba thứ quân trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm giáo dục, bồi dưỡng xây dựng nhân tố chính trị cho lực lượng vũ trang. Theo Người, nhiệm vụ quân sự phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”2. Người chăm lo xây dựng Đảng trong Quân đội, thực hiện Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện đối với lực lượng vũ trang; định ra hệ thống tổ chức đảng, tổ chức công tác chính trị, hệ thống cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên để bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Người nói: “Trong công việc xây dựng và phát triển Quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị”. Thấu triệt sâu sắc tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị luôn được xác định là một nguyên tắc cơ bản, bài học xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân; nền tảng vững chắc bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không ngừng phát triển.

Thực tiễn đã khẳng định, trong bất luận hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Chính nguyên tắc lãnh đạo đó đã không để xảy ra bất kỳ một “khoảng trống” nào, cũng như không “bỏ sót” bất cứ một lĩnh vực hay hoạt động nào của Quân đội, để kẻ địch có thể lợi dụng can thiệp, chống phá. Hiện nay, toàn quân đã và đang triên khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên đề cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy và chỉ huy đơn vị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới cơ chế, chính sách; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên. Cùng với đó, công tác quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới được toàn quân triển khai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; gắn “xây” với “chống”, tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo nhiều nhân tố điển hình, cán bộ đủ “tâm” và “tầm”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước thách thức từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với những thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước trên mọi mặt, nhất là lĩnh vực chính trị, tư tưởng nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã trở thành một trong những lực lượng tiên phong phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời, thường xuyên trau dồi phẩm chất chính trị, xây dựng và giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Một nét nổi bật và giá trị sâu sắc trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang là quan điểm “người trước, súng sau”. Theo Người, vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn vẫn là yếu tố con người. Vì thế, trong suốt quá trình tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện lực lượng vũ trang cách mạng, Người luôn chú trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ phát triển năng lực toàn diện, có bản lĩnh chính trị, có tri thức quân sự, khả năng làm chủ và khai thác hiệu quả các loại vũ khí, trang bị; đồng thời, không coi nhẹ vai trò của vũ khí, trang bị kỹ thuật, bởi đây là yếu tố quan trọng cấu thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Thấm nhuần, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Người, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả Đề án tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị và thế trận phòng thủ trên các vùng, miền của đất nước. Trong đó, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đóng quân ở vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nơi biên giới, biển, đảo; các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, nhất là trình độ, khả năng tham mưu, tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân; năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đối sách chiến lược xử trí đúng đắn, linh hoạt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Toàn quân tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ khai thác, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí mới, hiện đại phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang, cách đánh truyền thống, nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tổ chức chặt chẽ các cuộc diễn tập ở các quy mô, hình thức khác nhau, nhất là diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng và phối hợp tác chiến với các lực lượng trong khu vực phòng thủ; diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v.

Phát huy truyền thống của ngành quân giới anh hùng, ngành công nghiệp quốc phòng được Đảng, Nhà nước, Quân đội đầu tư phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia. Với sự đầu tư đồng bộ cả về con người, công nghệ và trang bị, đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân; đạn pháo cho lục quân, phòng không và hải quân; ra đa cảnh giới, máy thông tin, phương tiện tác chiến điện tử; một số trang bị khí tài cho các quân chủng, binh chủng; đóng tàu pháo, tàu tên lửa và các loại tàu bổ trợ khác. Đặc biệt, ngành công nghiệp quốc phòng đã tự chủ, bảo đảm được các loại thuốc phóng, thuốc nổ, vật tư kim loại cho sản xuất đạn dược,… góp phần tích cực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là sự phát triển cao của nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và hậu phương cách mạng. Cũng như chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết trong bản Tuyên ngôn độc lập do chính Người soạn thảo và đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tư tưởng của Người về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được phát triển thông qua chủ trương, đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; với tinh thần “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”3 đã tạo nên khí thế của cả dân tộc hừng hực ra trận và làm nên chiến thắng vẻ vang. Đặc biệt, sau thắng lợi của Hiệp định Genève (năm 1954), tư tưởng này ngày càng được hoàn thiện và phát huy. Dưới ánh sáng tư tưởng của Người về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân đẩy mạnh củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, phát triển lực lượng hậu bị, dân quân tự vệ, xây dựng công nghiệp quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành căn cứ địa, hậu phương của cả nước, vừa bảo đảm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời, đủ sức đánh bại mọi mưu đồ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của Mỹ – Ngụy. Nhờ đó, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đưa không quân, hải quân đánh phá miền Bắc thì nhân dân ta đã có cơ sở vững chắc để lần lượt đánh bại mọi cuộc tiến công phá hoại của đế quốc Mỹ, tiếp tục giữ vững sản xuất, ổn định sinh hoạt xã hội, không ngừng chi viện ngày càng mạnh mẽ cho miền Nam, phát huy sức mạnh của cả dân tộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trước yêu cầu của mục tiêu bảo vệ Tổ quốc hiện nay là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”4 đã và đang đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nhất quán tư tưởng chỉ đạo về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã hoạch định đường lối chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần, thế trận lòng dân; kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quốc phòng, an ninh. Quan tâm phát triển khoa học và công nghệ, nghệ thuật quân sự, an ninh và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch động viên quốc phòng, bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng và kế hoạch bảo đảm cho các hướng chiến lược. Sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc”. Điều đó cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta sáng tạo, phát triển trở thành đường lối, nguyên tắc chỉ đạo, phương châm hành động, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và thời đại để lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã được triển khai tích cực, đạt kết quả khá toàn diện, vững chắc. Nổi bật là, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố được xây dựng vững mạnh, đi vào chiều sâu; việc quy hoạch quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng được chú trọng; thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ được các địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng, củng cố hệ thống công trình chiến đấu, công trình phòng thủ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên từng địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh được thực hiện nền nếp, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Các bộ, ngành, địa phương coi trọng kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao khả năng huy động nguồn lực của đất nước cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; Quy chế Dân chủ cơ sở được triển khai thực hiện rộng khắp, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Lực lượng vũ trang ba thứ quân được xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quân đội nhân dân chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ, góp phần nâng cao khả năng, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh; tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, v.v. Những kết quả quan trọng, thiết thực đó góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân là nội dung chủ yếu, cốt lõi trong hệ thống tư tưởng quân sự của Người. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân trong tình hình hiện nay có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bởi đó chính là quy luật, nguyên tắc khoa học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng; củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG