Thursday, March 28, 2024

Những sai lầm khiến virus ‘hoành hành’ trên siêu du thuyền ở Nhật

Virus corona đã biến chuyến hành trình trên du thuyền Princess Diamond trở thành ác mộng khi hành khách bị buộc phải cách ly cùng nỗi sợ hãi nhiễm bệnh.

Một tối tháng 2, thuyền trưởng tàu Princess Diamond thông báo trên hệ thống liên lạc tổng, cho biết một hành khách rời tàu 9 ngày trước đã có xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới, thứ đã tạo nên dịch bệnh quét qua khắp Trung Quốc với hàng chục nghìn người lây nhiễm.

Thông báo của thuyền trưởng khiến hành khách trên boong có chút tâm lý bất an tâm. Thế nhưng, đó là đêm cuối cùng trong hành trình 2 tuần trên du thuyền sang trọng đầy đủ tiện nghi, vì vậy không nhiều người lãng phí chút thời gian ít ỏi còn lại để lo lắng khi con tàu đang tiến gần về thành phố cảng Yokohama của Nhật Bản, điểm dừng chân của hành trình.

Hành khách trên tàu Princess Diamond tiếp tục với những niềm vui của họ: bữa tối với món thăn bò hảo hạng, tham dự các màn vũ kịch trong nhà hát 700 chỗ, hay chen chúc trong các quán bar và sàn nhảy trên tàu. Để lấp đầy lịch trình và phục vụ nhu cầu của hành khách khi họ bị yêu cầu ở lại tàu thêm một ngày để kiểm tra y tế, các giám đốc hành trình của con tàu đã thiết kế thêm nhiều hoạt động vui chơi như khiêu vũ hay hát karaoke.

“Chúng tôi không thực sự coi việc rời khỏi phòng là nguy hiểm. Bởi chúng tôi đang trong tuần trăng mật, chẳng có lý do gì để lãng phí những khoảnh khắc cuối cùng trên tàu”, Rachel Torres, một du khách trên tàu, cho biết.

Cô và người chồng mới cưới, Tyler, quyết định tham gia buổi biểu diễn âm nhạc vào đêm cuối cùng, theo lịch trình, trên tàu Princess Diamond.

Phản ứng chậm trễ?

Nhà chức trách Nhật Bản cần tới 72 giờ để đưa ra quyết định phong tỏa tàu Princess Diamond, kể từ khi họ nhận được thông báo đầu tiên về trường hợp nhiễm virus corona liên quan tới du thuyền này. Trong 72 giờ đó, hàng nghìn người trên tàu Princess Diamond vẫn tiếp tục mọi sinh hoạt như thường lệ mà không có đề phòng, khiến virus dễ dàng lây lan.

Các chuyên gia nhận định chính sự chậm trễ của chính phủ Nhật Bản, cùng với các biện pháp thiếu hiệu quả trong thời gian cách ly 2 tuần, đã biến du thuyền Diamond Princess trở thành một thảm họa dịch tễ học.

Với 634 ca nhiễm bệnh và 2 người chết, du thuyền Princess Diamond trở thành ổ dịch virus corona lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.

Những sai lầm khiến virus 'hoành hành' trên siêu du thuyền ở Nhật

Tàu Princess Diamond trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tuần qua, nhà chức trách Nhật Bản đã cho phép 1.000 hành khách trước đó có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trở về nhà. Trong khi đó, thành viên thủy thủ đoàn sẽ được cho phép rời tàu trong tuần tới sau khi hết thời gian cách ly.

Hôm 22/2, bộ trưởng Y tế Nhật Bản thừa nhận 23 hành khách đã được cho phép rời tàu mà không thực hiện xét nghiệm cần thiết. Những người này đã sử dụng phương tiện công cộng sau khi rời khỏi khu vực cách ly.

Nay, cách ly với hành khách tàu Princess Diamond đã kết thúc, phần lớn hành khách đã rời đi. Các chuyên gia y tế lo ngại những người này sẽ làm lây lan virus khắp nơi tại Nhật Bản.

Các quan chức Nhật Bản khẳng định họ đã làm những gì tốt nhất có thể trong tình huống khẩn cấp, nhằm ngăn chặn không để virus lây lan ra bên ngoài. Ngay khi xác nhận ca nhiễm virus đầu tiên trên tàu, nhà chức trách đã quyết định cách ly toàn bộ con tàu để giảm thiểu nguy cơ lây niễm. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố biện pháp cách ly đã có hiệu quả lớn.

Princess Cruises, tổ chức vận hành con tàu, cho biết nhà chức trách Nhật Bản chịu trách nhiệm chính trong xét nghiệm và các quy tắc cách ly. “Ưu tiên chính là duy trì an toàn, sức khỏe và sự thoải mái của hành khách và thủy thủ đoàn”.

Sáng 2/2, trước khi tàu cập bến Yokohama, nhà chức trách Hong Kong cảnh báo Bộ Y tế Nhật Bản về ca nhiễm virus corona trước đó có mặt trên tàu Princess Diamond.

Người phát ngôn của Princess Cruises cho biết công ty này nhận được “xác nhận chính thức” về ca lây nhiễm từ Hong Kong hôm 3/2. Thông tin này sau đó đã được công bố cho toàn thể hành khách trên tàu Princess Diamond ngay trong buổi tối.

23h đêm hôm đó, các bữa tiệc và buổi biểu diễn kết thúc, hành khách được đề nghị ở trong phòng. Sau khi tàu cập bến Yokohama, nhân viên y tế lên tàu, đi tới từng phòng để kiểm tra thân nhiệt hành khách. Những người bị ho hoặc có biểu hiện sức khỏe bất thường được xét nghiệm đầu tiên.

Những người điều hành con tàu tiếp tục tổ chức các hoạt động trong ngày hôm sau, khi việc kiểm tra y tế được tiếp tục. Du khách vẫn đổ xô lên boong tàu, xếp hàng tại các buổi tiệc buffet, dùng chung muôi và kẹp, lấy muối và hạt tiêu chung từ những chiếc máy nghiền cầm tay.

Các hành khách ban đầu cho rằng hành trình của họ chỉ bị trì hoãn 1 hoặc 2 ngày. Nhiều người dậy sớm và ăn sáng như thường lệ vào ngày 5/2, khi thuyền trưởng tàu thông báo trên hệ thống liên lạc, cho biết nhà chức trách Nhật Bản đã phát hiện 10 ca nhiễm virus corona.

Thuyền trưởng yêu cầu tất cả hành khách trở về phòng ngay lập tức, tự cách ly trong 14 ngày.

Ký ức đen tối

Mắc kẹt trong khoang của mình, đó là lúc 2.666 hành khách có thời gian để hồi tưởng lại những người đã tiếp xúc có khả năng đã lây nhiễm virus corona trước khi tàu bị phong tỏa.

Trên boong số 14, một tiệc buffet được tổ chức ngay ngày hôm trước, hành khách được yêu cầu rửa tay trước khi tham dự. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao tiệc buffet vẫn diễn ra sau khi tàu Princess Diamond đã được thông báo về ca nhiễm virus corona.

Những sai lầm khiến virus 'hoành hành' trên siêu du thuyền ở Nhật

Một hành khách dương tính với virus corona được đưa xuống mặt đất. Ảnh: AFP.

Những phiên đấu giá nghệ thuật, các buổi tiệc trà, giải câu cá, bỗng nhiên trở thành nơi virus có nhiều nguy cơ lây lan, trong trí nhớ của các du khách. “Mọi thứ bỗng trở nên thật nguy hiểm khi nhớ lại”, Sarah Arana, du khách người Mỹ 52 tuổi, cho biết. Người này đã được đưa trở về Mỹ trên chuyến bay di tản cuối tuần trước.

Một người phát ngôn của Princes cho biết thủy thủ đoàn đã tiến hành các biện pháp “khử trùng và làm sạch môi trường” thường xuyên, sử dụng các chất tẩy rửa “được biết tới với khả năng tiêu diệt virus trong 30 giây”.

Mỗi ngày, nhà chức trách lại xác nhận thêm các ca nhiễm bệnh, đỉnh điểm là 41 ca xác nhận trong một ngày. Điều khiến các hành khách lo lắng nhất là cảm giác thông tin bị giữ lại không được công bố. Nhiều giờ trôi qua giữa những lần nhà chức trách Nhật Bản xác nhận các ca nhiễm mới với báo giới và hành khách trên tàu.

Nhiều hành khách đã đếm số lượng xe cấp cứu xếp hàng tại cầu tàu để đoán số người nhiễm mới được công bố trong ngày. Một số hành khách Nhật Bản treo những biểu ngữ ở ban công, với dòng chữ “thiếu trầm trọng thuốc men, thiếu trầm trọng thông tin”.

Vào ngày cách ly thứ 2, các quan chức y tế cho phép hành khách ở những khoang không có cửa sổ ra ngoài hít thử không khí trong lành. Một ngày sau đó, hành khách được cảnh báo giữ khoảng cách 2 m với người xung quanh. Ông Torres, một hành khách trên tàu, cho biết nhiều người không phải lúc nào cũng đeo khẩu trang như được khuyến cáo.

Tới ngày cách ly thứ 5, hành khách được phát khẩu trang N95 và được yêu cầu đeo mỗi khi mở cửa nhận đồ ăn và nhu yếu phẩm khác từ thành viên thủy thủ đoàn.

Trong ngày cách ly thứ 7, nhà chức trách Nhật Bản thông báo một số người sẽ được chuyển tới các cơ sở cách ly trên bờ. Đây là những hành khách trên 80 tuổi và những người ở khoang hành khách không có cửa sổ.

Thông tin này không giúp ích gì cho tinh thần của nhiều hành khách. Một số người đã chờ nhiều ngày để được tiếp tế thuốc men cho các bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao. Nhiều người đã không còn kem đánh răng và đồ lót sạch.

Thiếu chăm sóc y tế

Tadashi Chida, một hành khách ngoài 70 tuổi, đã viết thư cho bộ Y tế Nhật phàn nàn về tình trạng thủy thủ đoàn dường như quá tải và các nhân viên y tế không chăm sóc những người có triệu chứng bệnh.

Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng Nội các, cho biết nhà chức trách Nhật Bản đã “làm tối đa để bảo vệ sức khỏe hành khách và thủy thủ đoàn”.

Do thiếu hụt nguồn lực, nhà chức trách không tiến hành kiểm tra với tất cả người có mặt trên tàu. Thay vào đó, họ tập trung vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm những người tiếp xúc trực tiếp với người được xác nhận lây nhiễm, những người già và những người có biểu hiện nhiễm bệnh.

Mặc dù vậy, một số hành khách cho biết đã gặp nhiều khó khăn để được nhân viên y tế chú ý dù họ đã bắt đầu có biểu hiện nhiễm bệnh. Trong ngày cách ly hoàn toàn đầu tiên, một hành khách Mỹ 67 tuổi đã liên lạc với bệnh xá khi bắt đầu sốt. Bà này đề nghị được xét nghiệm virus corona.

Những sai lầm khiến virus 'hoành hành' trên siêu du thuyền ở Nhật

Hành khách tự cách ly trên tàu. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, hành khách này được thông báo quyết định xét nghiệm phụ thuộc vào Bộ Y tế Nhật Bản, và không thể tiến hành xét nghiệm trên tàu. Sau đó, chồng của hành khách này liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo và đề nghị trợ giúp.

“Chúng tôi ở trong cái đĩa thí nghiệm của họ. Đây là một cuộc thí nghiệm, và chúng tôi là những con chuột lang”, công dân Mỹ nói. Cặp vợ chồng sau đó được di tản về Mỹ mà vẫn chưa được xét nghiệm virus corona.

John Haering, hành khách 63 tuổi đến từ bang Utah, cho biết đã phải cầu cứu nhân viên y tế khi bị sốt. Nhân viên y tế cho biết ông sẽ phải chờ đợi nếu không phải tình huống khẩn cấp. Sau đó, một nhân viên y tế đến kiểm tra, ghi chép lại nhiệt độ của ông, và rời đi.

4 ngày sau, khi cơn sốt của ông Haering chuyển biến xấu, nhân viên y tế trong đồ bảo hộ mới đưa người đàn ông rời tàu để nhập viện. Vợ ông, Melanie, bị bỏ lại trên tàu. Người đàn ông sau đó có xét nghiệm dương tính với virus corona và tiếp nhận điều trị y tế tại Nhật Bản, trong khi bà Melanie đã được di tản về Mỹ.

Thủy thủ đoàn gặp nguy hiểm

Trong suốt cuộc khủng hoảng trên tàu Princess Diamond, thành viên thủy thủ đoàn vẫn liên tục làm việc, đôi khi với những ca trực kéo dài 13 giờ. Họ chuẩn bị và giao đồ ăn 3 lần mỗi ngày tới 1.500 khoang. Họ chuyển khăn tắm, ga trải giường, và phục vụ những yêu cầu khác của hành khách, khi thì giấy origami, khi thì mặt nạ làm đẹp, và cả chocolate vào ngày Valentine.

1.045 thành viên thủy thủ đoàn buộc phải duy trì công việc bất chấp nguy cơ lớn bị lây nhiễm. Dưới khoang tàu, thành viên thủy thủ đoàn sinh hoạt rất gần nhau, đôi khi 4 người chung một phòng tắm, và ăn những bữa ăn chung theo kiểu buffet. Tổng cộng 85 người đã có xét nghiệm dương tính với virus corona.

Phụ trách điều hành đường dây điện thoại, các thủy thủ đoàn dường như không có thời gian nghỉ với những câu hỏi bất tận của hành khách. Họ quét sàn tàu và bảo đảm an ninh mỗi khi hành khách ra ngoài hít thở không khí. Đối với một số công việc bắt buộc, họ không thể đeo găng tay, và đôi khi tái sử dụng mặt nạ nhiều hơn số lần được khuyến cáo.

Vào buổi đêm, thủy thủ đoàn phải canh gác để bảo đảm hành khách không ra ngoài. Và khi có người xét nghiệm dương tính với virus corona được đưa vào bệnh viện, thành viên thủy thủ đoàn có nhiệm vụ mang hành lý của người bệnh lên bờ.

“Chúng tôi phải trải qua sức ép tâm lý, thể chất và cảm xúc vô cùng lớn”, một thành viên làm việc trong nhà bếp cho biết. Người này sau đó có xét nghiệm dương tính với virus corona.

Sau khi một số đoàn viên đổ bệnh và sốt cao, thủy thủ đoàn vẫn tiếp tục ở chung phòng với họ. “Việc cách ly có nghĩa lý gì? Chúng tôi mắc kẹt trong một cái hộp đã bị nhiễm bệnh”, một thành viên thủy thủ đoàn nói.

Virus corona cũng khiến nhiều nhân viên y tế phát hoảng khi họ được giao nhiệm vụ lên tàu kiểm tra sức khỏe hành khách. Hàng trăm nhân viên y tế đã tham gia làm nhiệm vụ trên tàu Princess Diamond, nhiều người thiếu kinh nghiệm xử lý bệnh truyền nhiễm. Một số người thậm chí không mang đầy đủ thiết bị bảo hộ. 6 nhân viên y tế đã nhiễm virus.

Quan chức y tế Nhật Bản đã miễn cưỡng cho phép Kentaro Iwata, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, lên tàu để kiểm tra tình trạng cách ly. Giáo sư Iwata sau đó lên tiếng cảnh báo về sự thiếu hụt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, thậm chí giữa các nhân viên y tế. Trong video đăng tải trên YouTube, ông Iwata cho biết đã chứng kiến một y tá của tàu tiếp nhận người bị bệnh mà không đeo khẩu trang.

“Y tá nói đằng nào cô ấy cũng đã nhiệm bệnh, cô ấy đã hoàn toàn bỏ cuộc”, ông Iwata nói.

Những sai lầm khiến virus 'hoành hành' trên siêu du thuyền ở Nhật

Nhân viên y tế rời tàu Princess Diamond. Ảnh: AP.

Nguy cơ virus lan rộng

Để vượt qua chuỗi ngày cách ly dài đằng đẵng, các hành khách dành hàng giờ đồng hồ xem phim và đăng tải trên mạng xã hội. Khi số ca nhiễm bệnh tăng cao, sự buồn chán bắt đầu chuyển thành nỗi sợ hãi. Trong nhóm Facebook riêng, nhiều hành khách cho biết họ quá tuyệt vọng và chỉ muốn rời khỏi con tàu. Nhiều người hoài nghi về hiệu quả của cách lý, lo sợ virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió.

Sau khi các hành khách người Mỹ nêu ra lo ngại này với đại sứ quán ở Tokyo, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định “không có bằng chứng virus có thể lây lan giữa các phòng thông qua hệ thống thông gió”. CDC cho biết các hành khách tốt nhất nên chờ đợi trong phòng riêng của mình.

Nhưng sau đó, giới chức Mỹ thay đổi quan điểm. Trong một bức thư gửi tới các hành khách, các quan chức Mỹ cho biết “Bộ Y tế đánh giá các hành khách và thuyền viên trên tàu có nguy cơ lây nhiễm cao”, và quyết định di tản hành khách khỏi con tàu trước khi kết thúc thời gian cách ly.

Chuyến di sau đó trở nên hỗn loạn. Khi 328 hành khách và thủy thủ đoàn đang trên đường tới sân bay ở thủ đô Tokyo, các quan chức y tế Nhật Bản thông báo 14 người có kết quả dương tính với virus corona.

Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Mỹ cuối cùng quyết định đưa tất cả công dân nước này trở về quê nhà, tuy nhiên cách ly nhóm nhiễm virus với phần còn lại, sử dụng cách tấm nhựa và băng dính tạo thành một khu riêng biệt cho những người nhiễm bệnh trên máy bay.

“Tôi đã dành 2 tuần để tránh bất cứ ai dương tính với virus, và nay có một người dương tính đang thở ngay đối diện mình”, một hành khách người Mỹ nói, nhớ lại khoảnh khắc đứng gần nhóm bị nhiễm virus trước khi lên máy bay.

Đêm 18/2, Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu cho phép các hành khách rời du thuyền Princess Diamond, cho rằng những người này “không có nguy cơ lây nhiễm” sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona. Gần 1.000 người đã rời đi trong ngày hôm sau bằng cách hình thức giao thông khác nhau.

Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ một số hành khách thực sự vẫn có thể mang virus, chỉ có điều chưa xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm vẫn ra kết quả âm tính.

Hôm 21/2, một phụ nữ ngoài 60 tuổi bắt đầu sốt và sau đó cho kết quả dương tính với virus corona. Người này là hành khách trên tàu Princess Diamond đã được cho phép rời đi sau khi có kết quả âm tính trong lần xét nghiệm trước đó.

Trong khi đó, một hành khách người Mỹ 63 tuổi tên Linda Tsukamoto đã từ chối lên máy bay di tản về nước. Do không thể trở về Mỹ trong ít nhất 14 ngày, bà quyết định thuê một phòng khách sạn ở Tokyo. Bà Tsukamoto cho biết nhân viên khách sạn đều đeo mặt nạ, đồng thời có một biển thông tin cảnh báo về nguy cơ nhiễm virus.

“Tôi sẽ chủ yếu ở trong khách sạn, để giữ bản thân an toàn sau hành trình dài vừa rồi”, bà Tsukamoto nói.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG