Thursday, March 28, 2024

Vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe: VKS đề nghị 3 bị cáo từ 12-24 tháng tù

Đại diện viện kiểm sát cho rằng hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sống của cháu Long. Các bị cáo đều cẩu thả, không thực hiện đúng quy định dẫn đến hậu quả chấm dứt mọi ước mơ, hoài bão của cháu khi mới ngày thứ hai bước chân đến trường.

Vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe: VKS đề nghị 3 bị cáo từ 12-24 tháng tù

Bị cáo Doãn Quý Phiến tại phiên tòa – Ảnh: NAM ANH

Sau gần một ngày xét hỏi, cuối buổi chiều 14-1, đại diện viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với ba bị cáo trong vụ án làm học sinh lớp 1 Trường Gateway chết trên xe đưa đón.

Chấm dứt mọi ước mơ, hoài bão của cháu Long

Theo VKS, kết quả xét hỏi tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo và chứng cứ thu thập được xác định các bị cáo bị truy tố, xét xử đúng người đúng tội. Vì vậy cần thiết cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian.

Theo đó, VKS đề nghị tòa xử phạt bà Nguyễn Bích Quy từ 20-24 tháng tù; ông Doãn Quý Phiến 15-18 tháng tù về tội “vô ý làm chết người”; bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm) 12-15 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước khi VKS luận tội, HĐXX đã cho trình chiếu clip xe đưa đón học sinh đến trường do camera an ninh ghi lại. Theo hình ảnh được công bố, khi bà Quy đưa các học sinh từ xe vào nhà ăn thì không có cháu Long. Buổi chiều khi xe đến đón, các học sinh là người phát hiện cháu Long chết trên xe và được một nhân viên của trường bế vào phòng y tế.

Video clip được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận không có chỉnh sửa. VKS cho rằng bị cáo Nguyễn Bích Quy đã cẩu thả trong quản lý học sinh, tài xế Phiến cẩu thả trong kiểm tra khoang hành khách dẫn đến cháu Long bị bỏ quên và tử vong. Bị cáo Thủy thiếu trách nhiệm khi kiểm tra thiếu học sinh không thông báo cho gia đình. Hành vi của các bị cáo dẫn đến cháu Long bị bỏ quên và tử vong trên xe đưa đón.

Lời khai của bà Quy tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và sự việc xảy ra ngày 6-8. Bà Quy thừa nhận không nhớ chính xác số cháu xuống xe, tại bếp ăn không thấy cháu Long. Khi đưa học sinh đến trường, bà Quy không phát hiện cháu Long ngủ trên xe, không thực hiện việc kiểm tra lại xe dẫn đến bỏ quên cháu Long trên xe.

Bị cáo Thủy đã ký kết hợp đồng lao động và được phân công chủ nhiệm lớp 1 Tokyo. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm được quy định rõ, có trách nhiệm điểm danh đầu buổi học và trao đổi với phụ huynh khi học sinh bị bệnh hay nghỉ học qua phần mềm. Bản thân bị cáo Thủy được tập huấn công tác chủ nhiệm nhưng thực hiện không đầy đủ, không kịp thời liên hệ với phụ huynh.

Vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe: VKS đề nghị 3 bị cáo từ 12-24 tháng tù

Bị cáo Nguyễn Bích Quy tại phiên tòa – Ảnh: NAM ANH

Hành vi 3 bị cáo thực hiện độc lập, mỗi hành vi đều có khả năng phát sinh hậu quả xảy ra. Cháu Long tử vong phát sinh từ việc bà Quy bỏ quên trên xe, tài xế tin tưởng người giám sát. Cuối cùng, hành vi bị cáo Thủy khi điểm danh thấy thiếu không liên lạc với gia đình, không báo nhà trường dẫn đến không phát hiện kịp thời. “Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sống của cháu Long, đây là quyền thiêng liêng nhất của con người. Các bị cáo đều không thực hiện đúng quy định dẫn đến hậu quả chung chấm dứt sự sống của cháu Long. Hậu quả vụ việc cũng chấm dứt mọi ước mơ, hoài bão của cháu khi mới ngày thứ hai bước chân đến trường, làm cho gia đình tổn hại tinh thần, suy sụp tâm lý, tình cảm.

Mất mát của gia đình cháu Long là quá lớn, nỗi đau không thể nào bù đắp được, không biết khi nào mới nguôi ngoai”, VKS nhấn mạnh. VKS cũng đánh giá đây là vụ án có ba bị can chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của cháu Long nhưng không phải là vụ án có đồng phạm. Hành vi của các bị cáo được thực hiện với lỗi vô ý.

Bà Quy từng có một năm công tác đưa đón trẻ, từng làm việc tại Gateway gần 1 tháng, hiểu rất rõ công việc khi đưa đón trẻ nhưng đã cẩu thả trong việc đưa đón trẻ, không kiểm tra xe. Bị cáo buộc phải nhận thức được việc bỏ quên học sinh thì hậu quả lớn như nào. Bị cáo Phiến tin tưởng người giám sát không kiểm tra khoang hành khách.

Bị cáo Phiến là tài xế nhiều năm kinh nghiệm, biết quy định tài xế phải làm gì. Bị cáo buộc phải biết trách nhiệm người giám sát cũng không loại trừ trách nhiệm tài xế, nếu không thì việc bỏ quên học sinh sẽ xảy ra hậu quả không lường. Bị cáo Thủy là giáo viên nhiều năm, biết rõ trách nhiệm nhưng không thực hiện đầy đủ, không liên lạc với phụ huynh dẫn đến nhà trường và gia đình không phát hiện kịp thời cháu Long bị bỏ quên trên xe thời gian dài.

Nếu bị cáo Thủy phát hiện kịp thời thì có thể sẽ không để xảy ra hậu quả đau lòng như vậy. Các bị cáo tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng thực tế đã xảy ra, cháu Long đã chết trên xe đưa đón. Hành vi của các bị cáo có mối quan hệ nhân quả với hậu quả đã xảy ra. Do đó, theo VKS, cần thiết xử nghiêm minh với các bị cáo để đảm bảo giáo dục và phòng ngừa chung.

Tiếng chuông cảnh tỉnh

Theo bản luận tội, hành vi của các bị cáo gây ra nhiều hệ lụy khác. Báo chí quan tâm liên tục đưa thông tin dấy lên dư luận cả nước suốt một thời gian, trong đó nhiều dư luận trái chiều gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Vụ học sinh Trường Gateway chết trên xe: VKS đề nghị 3 bị cáo từ 12-24 tháng tù

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa – Ảnh: NAM ANH

Theo VKS, đối với ngành giáo dục, đây là sự việc hi hữu, bị hại là trẻ em được quan tâm đặc biệt nên ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đến toàn ngành trong công tác quản lý, đặc biệt là việc đưa đón trẻ đến trường.

“Vụ án có thể khép lại tại đây, bị cáo phải chịu hình phạt tương xứng, nhưng nỗi đau của gia đình còn lại là mãi mãi nên xin chia sẻ mất mát với bố mẹ cháu Long”, VKS nói. VKS cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của nhà trường và Công ty Ngân Hà.

Về phía nhà trường đã ban hành đầy đủ nội quy quy chế quản lý học sinh, tổ chức tập huấn nhưng bị cáo Thủy không thực hiện đầy đủ. Nhà trường cần chấn chỉnh từ khâu công tác tuyển chọn đào tạo giáo viên chủ nhiệm. Sau sự việc trên, Bộ GD-ĐT đã có công văn tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón.

Đây là sự việc hi hữu và đau xót, trong đó ngành giáo dục có một phần trách nhiệm. VKS đã có văn bản gửi phòng giáo dục quận yêu cầu rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Về phần dân sự, trường học và Công ty Ngân Hà có trách nhiệm bồi thường cho gia đình theo quy định pháp luật.

THÂN HOÀNG

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG