Friday, March 29, 2024

Tin giả trên mạng xã hội gieo rắc nỗi sợ về viêm phổi Vũ Hán

Những tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới (2019-nCoV) đang lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây nhiều hoang mang trong dư luận.
Tin giả trên mạng xã hội gieo rắc nỗi sợ về viêm phổi Vũ Hán

Nhân viên kiểm tra thân nhiệt hành khách tại một ga tàu ở Vũ Hán

Reuters
Người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết thật sự, nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly… là những tin đồn được lan truyền đầy rẫy trên mạng xã hội từ khi dịch viêm phổi do vi rút corona mới bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ cuối năm 2019.
Theo giáo sư truyền thông báo chí Alfred Hermida tại đại học British Columbia (Canada), mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức thông tin được lan truyền và việc thiếu thông tin về loại vi rút mới, cộng với nỗi sợ khiến người ta nhạy cảm đối với những tin đồn.

Nỗi sợ là tác nhân chính

Ông Hermida theo dõi lượng thông tin về vi rút corona mới được chia sẻ trên mạng Twitter từ khi dịch bệnh bùng phát và phát hiện số bài viết tăng đột biến từ khi Mỹ xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 21.1.
“Nỗi sợ đóng vai trò rất lớn trong việc này và rất dễ được vũ khí hóa. Đối với nhiều người, việc phân biệt đâu là thông tin đúng trên mạng xã hội là điều rất khó khăn”, giáo sư Hermida giải thích trên đài CBC.
Tin giả trên mạng xã hội gieo rắc nỗi sợ về viêm phổi Vũ Hán

Thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng được chia sẻ nhiều hơn thông tin đã được xác minh. Trong ảnh là một người đi tàu ở Bắc Kinh đeo khẩu trang trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán

Nhà báo Ramona Pringle, giảng viên về truyền thông tại Đại học Ryerson (Canada) nhận định: “Bất cứ điều gì liên quan đến sức khỏe đều gây những phản ứng rất cảm tính trên mạng, vì sinh tồn là bản năng chính của con người”.
Bên cạnh đó, bà Pringle cho biết những thông tin được xác minh, chính thống lại không được chú ý như những tin đồn.
Ví dụ như trường hợp tại Philippines, một tài khoản Twitter ngày 20.1 tung tin rằng một đứa trẻ Trung Quốc tại tỉnh Cebu bị nhiễm vi rút gây viêm phổi Vũ Hán.
Dòng tweet được đăng tải lại hàng ngàn lần. Tuy nhiên, vài giờ sau, tài khoản này đăng thông báo đính chính rằng căn bệnh mà đứa trẻ nhiễm không phải là do vi rút viêm phổi Vũ Hán, nhưng chỉ có vài người đăng lại, theo BBC.

Nguy hiểm từ thông tin sai lệch

Giáo sư xã hội học Fuyuki Kurasawa tại Đại học York (Canada) nói rằng mạng xã hội có thể làm gia tăng nỗi sợ của người dân trong thời điểm khủng hoảng vì bệnh dịch và làm suy giảm khả năng sàng lọc thông tin của họ.
Điều này có thể khiến cho một số người dễ trở thành nạn nhân của việc thông tin sai lệch và bị kỳ thị, công kích ngoài đời. Như sự việc tại Canada mới đây, một tài khoản Twitter tung tin rằng có một người vừa trốn thoát khỏi Vũ Hán và đang về Toronto.
Tài khoản chính thức của sân bay sau đó cảm ơn tài khoản tung tin và cho biết sẽ thông báo với cơ quan di trú. Ngay sau đó, nhiều người khác nhảy vào bình luận và kêu gọi cách ly người đàn ông khả nghi cùng toàn bộ người trên chuyến bay đó (?), theo CBC.
Theo giáo sư Kurasawa, nỗi sợ vô căn cứ này làm gia tăng những hành vi phân biệt đối xử hoặc xâm phạm nhân quyền, quyền được đối xử công bằng khi nhập cảnh vào Canada.

Bác bỏ thông tin đã có vắc xin

Theo trang FactCheck.org, một trong những tổ chức phối hợp với mạng xã hội Facebook để vạch trần những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, hiện chưa có loại vắc xin nào giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới(2019-nCoV) gây ra.
Trước đó, hàng loạt thông tin xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng loại vi rút này được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và các nhà khoa học đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2015 cho nghiên cứu này. Bên cạnh đó, cũng có những đồn đoán rằng vắc xin phòng chống loại vi rút này đã được sản xuất.
Theo FactCheck.org, những bằng sáng chế được nhắc đến trên thực tế liên quan đến 2 loại vi rút khác thuộc dòng vi rút corona.
Giáo sư nghiên cứu vi rút corona Matthew Frieman tại Đại học Maryland (Mỹ) cho biết một bằng sáng chế liên quan đến loại vi rút được tạo ra trong thời điểm bùng phát dịch SARS năm 2003. Bằng còn lại liên quan đến loại vi rút viêm phế quản chỉ lây nhiễm ở gia cầm.

Malaysia phạt nặng việc tung tin giả

Uỷ ban Truyền thông đa phương tiện Malaysia và Cảnh sát hoàng gia nước này ngày 27.1 thông báo sẽ giám sát chặt chẽ việc tung tin thất thiệt về đợt dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mới 2019-nCoV gây ra.
Những người bị phát hiện tung tin giả nhằm gây hoang mang, sợ hãi trong người dân, làm đất nước bất ổn, có thể bị phạt tù 2 năm và nộp phạt 100.000 RM (570 triệu đồng), tờ Malay Mail trích thông báo đưa tin. Hiện có 4 ca nhiễm vi rút 2019-nCoV tại Malaysia và toàn bộ đang được theo dõi nghiêm ngặt để điều trị.
Theo Thanh niên

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG