Thursday, March 28, 2024

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến hai dự án Luật

 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến hai dự án Luật

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Sáng 16-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 chương, 38 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần này, nhiều quy định đã được chỉnh lý như về tên gọi của dự thảo Luật; về phạm vi điều chỉnh; về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.
Quan phiên thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu tán thành cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí.
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Nghiên cứu tiếp thu tinh thần xây dựng Luật
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình: Đứng ở các góc cạnh khác nhau nhìn vào dự thảo luật này những ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội đều xác đáng, ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, trên tinh thần xây dựng luật với những nội dung khi ban hành cái nào có lợi cho dân thì làm mức cao nhất, cái nào không có lợi cho người dân thì không làm.
Vì vậy, khi thực hiện soạn thảo luật này rất khó, đến 2 nhiệm kỳ và đến giờ này vẫn khó vì luật có sự mâu thuẫn, xung đột tương đối, thậm chí đối đầu với nhau giữa một bên mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và nhà sản xuất kinh doanh mong muốn doanh thu và lợi nhuận.
“Trên tinh thần đó chúng tôi thấy Luật cố gắng tiếp cận một cách hài hoà giữa khía cạnh sức khoẻ và kinh tế xã hội. Khi luật ra đời thì tiếp cận ở góc độ sức khoẻ nhiều hơn, còn các góc độ khác bị chi phối ở các luật khác,” Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Vấn đề thứ hai bà Tiến nhấn mạnh, đó là việc dự thảo của Luật làm sao để phải đồng bộ với các luật hiện hành và hội nhập với quốc tế. Thứ ba phải có tính khả thi và trên kinh nghiệm của quốc tế có hơn 100 nước đã xây dựng luật kể cả các nước có nền sản xuất và xuất khẩu rượu lớn nhất theo nguyên tắc của y tế thế giới có ba nguyên tắc giải pháp cơ bản: Một là giảm tính sẵn có: giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán… Bên cạnh đó là là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm bớt người uống rượu bia vừa tăng nguồn thu ngân sách cũng như việc kiểm soát vấn đề quảng cáo.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục giải trình bảo vệ tên gọi theo phương án 1 của Dự thảo luật. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh sẽ có những điều chỉnh, chỉnh sửa những điều còn nhiều tranh luận trong thời gian tới.
26 ý kiến tranh luận sôi nổi
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tổng kết, phiên họp buổi sáng đã thảo luận sôi nổi về dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia với tinh thần trách nhiệm cao. Đã có 34 đại biểu quốc hội đăng ký phát biểu, 26 đại biểu quốc hội phát biểu tại hội trường, 5 đại biểu quốc hội tranh luận.
Tất cả các ý kiến của các vị đại biểu quốc hội bước đầu được Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu và giải trình, trả lời, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật… Các ý kiến đều mong muốn luật ban hành phù hợp với các quy định trong chiến lược toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu bia, đồng thời phù hợp với thông lệ của quốc tế, phù hợp trong giao tiếp giữa con người với con người.
Phó Chủ tịch quốc hội cho hay, nhiều đại biểu quốc hội mong muốn luật ban hành điều chỉnh, ngăn chặn hành vi lạm dụng việc sử dụng rượu bia đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó là các ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị ghi rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quá trình sản xuất, kinh doanh rượu bia.
Đặc biệt, nhiều đại biểu quốc hội cũng cho ý kiến phải thống nhất thực hiện luật khác trong hệ thống pháp luật, như Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật giao thông.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây mới là phiên thảo luận lần đầu, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc hội thảo, phiên giải trình lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để dự thảo Luật hoàn chỉnh.
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Không nên sửa đổi các quy định chưa chắc chắn
Băn khoăn về tính ổn định của văn bản, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những Luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được ba năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này, Ban Soạn thảo cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Cụ thể, cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự án Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc, nếu thấy có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển không đưa vào phạm vi sửa đổi.
Thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri thông qua cơ quan dân cử
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu ý kiến theo Tờ trình của Chính phủ, việc quy định Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành gây nhiều khó khăn, nhất là về thời gian, phụ thuộc nhiều vào các Kỳ họp của Hội đồng nhân dân, theo quy định Hội đồng nhân dân các cấp họp một năm 2 lần, làm giảm tính kịp thời, hiệu quả của công tác quyết định chủ trương đầu tư.
Để khắc phục hạn chế này, dự án Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân theo hướng Thường trực Hội đồng nhân dân được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa hai kỳ họp và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Giải trình nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ trình quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân dựa theo hai căn cứ: khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện nay và các quy định của pháp luật khác có liên quan, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Thường trực bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chánh Văn phòng, Trưởng các Ban của Hội đồng và cũng đã được Luật định trong việc này. Thứ hai, về nguyên tắc, khi có những công trình quan trọng, đột xuất, Hội đồng nhân dân có quyền họp đột xuất để quyết định thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể triệu tập được Thường trực Hội đồng nhân dân vì vậy, phần lớn các địa phương đều cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Thường trực Hội đồng nhân dân. Chính phủ cho rằng chỉ có một vài công trình đột xuất, cấp bách chứ không phải thường xuyên vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét quy định này theo Tờ trình của Chính phủ.
Công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát trong quản lý đầu tư công
Quan tâm đến việc công khai, minh bạch trong đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng dự án đầu tư công sử dụng tiền công phải công khai chi tiết cho người dân được biết đầu tư làm gì? đầu tư như thế nào? việc sử dụng các yếu tố đầu tư ra sao? cũng như đưa ra các giải pháp, quy trình kỹ thuật thi công.
“Quy định hiện hành đã có điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung. Còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy. Do đó, cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, trừ những dự án thuộc dạng bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia,” đại biểu nhấn mạnh và thể hiện sự tin tưởng nếu thực hiện công khai như vậy, công chúng sẽ là những người biết rất rõ. Khi đó sẽ không thể có những khuất tất trong thiết kế, thẩm tra, không có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công vả thực hiện dự án. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc khi thực hiện giám sát đầu tư công.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu quan điểm Quyết định chủ trương đầu tư có vai trò quan trọng phát huy hiệu quả việc đầu tư nhưng dự án Luật lại quy định các dự án khẩn cấp được thực hiện ngay và do Chính phủ quy định. Nội dung này không cụ thể, không rõ đối tượng…
Dự án khẩn cấp được thực hiện theo thủ tục rút gọn sẽ là khe hở cho tình trạng lách luật hiện nay. Tình trạng này đang phức tạp và đa dạng. Do đó, cần những tiêu chí nguyên tắc để xác định dự án như thế nào là khẩn cấp theo hướng chặt chẽ, tránh mở quá rộng đối tượng được áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị bổ sung việc duy tu, sửa chữa các công trình giao thông vào đối tượng đầu tư công, bởi, thực tế hiện nay nhiều công trình giao thông đang hư hỏng, biến đổi khí hậu đã làm sạt lở, ngập lụt khiến các công trình giao thông hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn, trong khi đó quỹ bảo trì đường bộ mới đáp ứng 40% nhu cầu, còn địa phương mới đáp ứng 15%. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng các công trình giao thông vào đầu tư công là rất cần thiết./.

BTV (tổng hợp từ TTXVN)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG