Thursday, March 28, 2024

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bế tắc vì đâu?

Triển vọng tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh chính trị tại Mỹ, cụ thể là cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ tháng 11 tới.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra trong ngày 22 và 23/8 tại Thủ đô Washington D.C là vòng đàm phán thứ tư đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào có thể giúp giải quyết tranh chấp về thương mại giữa hai bên. Giới chuyên gia cho rằng, giữa Washington và Bắc Kinh còn quá nhiều sự khác biệt về quan điểm và chính sách thương mại trước khi bước vào vòng đàm phán mới.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bế tắc vì đâu?

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ kết thúc nhưng không phải lúc này.

Đàm phán nhiều nhưng ít triển vọng

Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hai bên đã trải qua nhiều vòng đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề then chốt trong quan hệ thương mại giữa hai nước như vấn đề thâm hụt thương mại; quyền sở hữu trí tuệ; chiến lược “Made in China 2025”; các giới hạn đầu tư và vấn đề tiền tệ…

Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra đầu tháng 5 tại Bắc Kinh, nhưng không đạt được kết quả nào khi hai bên còn những bất đồng lớn về đòi hỏi giảm thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường và vấn đề bản quyền trí tuệ. Cuộc đàm phán khép lại với nỗi lo khoảng cách bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt ra mối đe dọa về cuộc chiến thương mại toàn cầu thực sự.

Vòng đàm phán thứ hai được tổ chức vào ngày 16/5 tại thủ đô Washington. Đến với cuộc thương lượng này, cả hai bên đã phát đi một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng danh sách những vấn đề vướng mắc giữa hai bên rất dài, trong khi quan điểm lại có sự khác biệt lớn khiến cho cả hai bên đều khó bề nhượng bộ lẫn nhau.

Vòng đàm phán thứ ba tại Bắc Kinh ngày 2/6. Trung Quốc và Mỹ đã thống nhất không công bố kết quả và cũng không  tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về đàm phán.

Tiếp đến, vòng đàm phán thứ tư diễn ra trong hai ngày vừa qua (22-23/8) tại Thủ đô Washington, trong bối cảnh hai nước tiếp tục đe dọa tăng thuế lên hàng hóa của nhau, mới nhất là gói áp thuế 25% của Mỹ với giá trị 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 23/8. Cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào có thể giúp giải quyết tranh chấp về thương mại giữa hai bên.

Theo giới quan sát, trước khi vòng đàm phán mới diễn ra, ngày 20/8, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố không kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Washington lần này.

Trả lời phỏng vấn, ông Trump khẳng định hiện chưa có khung thời gian cụ thể cho việc chấm dứt tranh cãi thương mại với Trung Quốc, trong đó Washington đã cảnh báo áp đặt thuế quan đối với hầu hết hàng hóa giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Ông cho biết không hy vọng quá nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên sắp tới, đồng thời nhận định rằng giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian.

Giám đốc Công ty RSD Advisors, Richard Daskin cho rằng, triển vọng tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh chính trị tại Mỹ, cụ thể là cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sắp tới. Ông nói: “Nếu Đảng Cộng hòa chiến thắng và tiếp tục giữ thế đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện, chính quyền Trump sẽ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn. Có thể Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc nhưng theo cách gây sức ép. Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng hòa thất bại, nhiều khả năng là tại Hạ viện tình hình sẽ hoàn toàn khác và rất khó đoán định”.

Một số nguyên nhân chủ yếu

Sau bốn vòng đàm phán thương mại, Mỹ và Trung Quốc mới chỉ đạt được một số nhận thức chung liên quan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán, kể cả đàm phán mới đây nhất tại Washington cũng không mang lại kết quả nào được gọi là lạc quan.

Theo giới phân tích, việc thiếu đồng thuận về quan điểm và phương thức giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, sự xung đột giữa chính sách đơn phương, bảo hộ của Mỹ với quan điểm liên kết, hợp tác, nỗ lực duy trì các quy tắc của WTO, cơ chế thương mại đa phương và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở của Trung Quốc.

Với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump muốn thông qua chiến tranh thương mại để viết lại “luật chơi” của kinh tế thế giới có lợi hơn cho Mỹ và “hạ bệ” Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để chiến thắng trước Trung Quốc, Mỹ phải phá vỡ đàm phán đa phương, thực hiện đàm phán song phương. Ngay cả với đồng minh của Mỹ như: Đức, Nhật Bản, Canada… Mỹ cũng đàm phán song phương để hình thành luật chơi mới.

Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn đàm phán đa phương, kiên trì cải cách mở cửa và bảo vệ chuỗi sản xuất, bởi nước này chiếm ưu thế lớn trong chuỗi sản xuất hiện nay của thế giới, dù sản xuất gì đều có “mắt xích” Trung Quốc như xe hơi, máy tính, thậm chí là tên lửa đều có linh kiện do Trung Quốc sản xuất.

Mỹ muốn loại bỏ “mắt xích” này, từ đó thay đổi toàn bộ mô hình chuỗi sản xuất. Bằng cách đó, Mỹ sẽ triệt phá biện pháp đối phó với chiến tranh thương mại mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong diễn đàn Bác Ngao hồi tháng 4/2018.

Hai là, Cuộc chiến
thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung không chỉ là sự đối đầu về kinh tế mà cả về chính trị – cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng địa – chính trị. Ngày càng nhiều học giả cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang chuyển đổi từ tiếp xúc, hòa hợp sang ngăn chặn.

Vì thế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ tiến hành đối với Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu chiến lược ngăn chặn của Washington đối với Bắc Kinh. Giữa Mỹ và Trung Quốc rất có thể sẽ xảy ra những xung đột kinh tế ác liệt hơn.

Theo giới quan sát, lý do Mỹ đưa ra trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là nhằm giảm thâm hụt thương mại chỉ là cái cớ, hiện tượng bề ngoài. Thực chất là cuộc chiến nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là Chiến lược “Made in China 2025” của Bắc Kinh, mà Washington mô tả như là một cuộc tấn công vào “linh hồn Mỹ”. Đồng thời, kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các khu vực trên thế giới.

Mặt khác, trong cuộc chiến thương mại này, Trung Quốc cố tình chọn mục tiêu là hàng hóa đến từ các bang có nhiều cử tri ủng hộ D. Trump nhằm gây chia rẽ, khiến ông và Đảng Cộng hòa phải lo ngại về những tác động tiêu cực đến kinh tế và việc làm trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Ba là, Mặc dù, các quan chức chính quyền Mỹ đang bị chia rẽ về cách gây áp lực với Bắc Kinh, nhưng Nhà Trắng dường như tin rằng, họ đang giành chiến thắng trong cuộc chiến lần này khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và thị trường chứng khoán của nước này sụt giảm đáng kể.

Ông Trump khẳng định: “Việc tăng thuế đã thu được một khoản tiền lớn chảy vào quốc khố, có lợi cho nền kinh tế Mỹ”. Trong khi đó, Trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết tại một cuộc họp nội các, Trung Quốc đang lâm vào đường cùng trong xung đột kinh tế, nền kinh tế trong nước đang sụp đổ, Trung Quốc không nên đánh giá thấp lập trường cứng rắn của Mỹ.

Như vậy, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cho thấy, vẫn chưa có dấu hiệu đi đến đoạn kết, ít nhất là trong năm nay. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống D. Trump cũng hiểu rõ, nền kinh tế nước này sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Còn Trung Quốc cũng hiểu điểm yếu của họ và chắc chắn không muốn cuộc chiến “lợi bất cập hại” kéo dài.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, dù sớm hay muộn, hai bên cũng sẽ phải tìm cách đạt được một thỏa thuận để hóa giải cuộc chiến thương mại “không có kẻ thắng, người thua” này./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG