Friday, March 29, 2024

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc "chế độ một đảng cầm quyền thủ tiêu dân chủ"

Lâu này các thế lực thù địch vẫn lợi dụng thủ đoạn xuyên tạc, vu cáo chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và cổ vũ cho chế độ đa nguyên, đa đảng phương Tây hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vậy, chế độ một đảng cầm quyền có thủ tiêu dân chủ…

Đây có thể là câu hỏi được đặt ra và bàn luận nhiều nhất trong một thời gian dài.  Bởi lẽ, các thế lực thù địch thường lớn tiếng rêu rao chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền đang thủ tiêu dân chủ. Sự thật có phải như thế?  Để làm rõ vấn đề, trước hết cần xác định thực chất dân chủ là gì? Một chế độ chính trị phải có được những thành tựu gì mới được coi là chế độ dân chủ và thực trạng dân chủ ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Dân chủ – theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhân dân” – về cơ bản được định nghĩa là một hình thức chính phủ trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Dân chủ có thể do người dân trực tiếp thực thi hoặc được thực thi bởi các quan chức do nhân dân bầu ra. Hay theo như câu nói nổi tiếng của Tổng thống Abraham Lincoln, dân chủ là chính phủ “của nhân dân, do dân và vì dân”. Nói tóm lại, dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do.

Có ba hình thức dân chủ chính: Dân chủ Trực tiếp;  Dân chủ Đại diện và Dân chủ Hiến định. Trong đó Dân chủ Trực tiếp là hình thức mà mọi công dân đều có thể trực tiếp tham gia vào tiến trình quyết định các chính sách qua việc bầu phiếu hay trưng cầu dân ý. Nguyên tắc đa số tương đối được áp dụng. Dân chủ Đại diện là nơi người dân có quyền tham chính bằng cách bầu lên đại biểu quốc hội để thay mặt họ mà quyết định về quốc sự. Hai khó khăn chính của hình thức này là làm sao để công thức bầu cử và cấu trúc chính trị phản ánh được nguyện vọng của dân và không để cho ý nguyện của đa số triệt tiêu quyền lợi của thiểu số. Từ thế kỷ 19 tới nay, cấu trúc quyền lực trong nền dân chủ được phân định trong hiến pháp và trở thành Dân chủ Hiến định. Vậy Dân chủ Hiến định là nên dân chủ dùng hiến pháp để một mặt công nhận quyền lực của đa số và mặt khác bảo vệ quyền lợi của thiểu số. Để thể hiện vấn đề này, các nhà tư tưởng, chính trị trên thế giới đã chỉ ra những đặc tính của nền Dân chủ Hiến định như: Bầu cử được tổ chức định kỳ; cử tri được tự do chọn lựa dân biểu; Tất cả các công dân trưởng thành đều có quyền đi bầu cử; Quyết định chính trị dựa trên ý nguyện của đa số; Quyền lợi của thiểu số được bảo vệ; Ngành tư pháp (toà án) độc lập; Hiến pháp bảo vệ các quyền dân sự cơ bản.

Để chứng minh tính chất ưu việt của các chế độ dân chủ, các nhà lý luận trên thế giới đã chỉ ra một số ưu điểm như: Nó giúp ngăn chận chính phủ trở thành độc tài và tàn bạo; Bảo đảm cho mọi công dân một số quyền căn bản vốn không hề có và không thể có trong các chế độ phi dân chủ; Cung cấp nhiều tự do cá nhân cho các công dân hơn hẳn mọi chế độ khác, giúp mọi người bảo vệ được những quyền lợi căn bản của họ; Chỉ có chế độ dân chủ mới cung cấp cơ hội tối đa cho người dân thực hiện quyền tự quyết, nghĩa là được sống dưới những luật pháp do họ lựa chọn; Chỉ có chế độ dân chủ mới cung cấp cơ hội tối đa để mọi người thực hiện được những trách nhiệm đạo lý của mình, chế độ dân chủ giúp con người được phát triển một cách hoàn chỉnh hơn hẳn mọi chế độ khác. Nói một cách tóm tắt, tính chất ưu việt của dân chủ nằm ở bốn điểm chính: bảo vệ nhân quyền, nhân đạo, hòa bình và thịnh vượng.

Dân chủ với vai trò là một thành quả to lớn của sự phát triển lịch sử của nhân loại. Lịch sử chính trị thế giới cho thấy, không phải cứ có thể chế chính trị đa đảng đối lập, có nhà nước tam quyền phân lập và tự do cạnh tranh chính trị là dân chủ, là bảo đảm và thực hiện được dân chủ! Thực tế chúng ta đều thấy, các thể chế chính trị đa đảng và tổ chức nhà nước tam quyền phân lập theo mô hình phương Tây không phải đã làm cho các nước đó có dân chủ và thực hành được dân chủ! Các cuộc đấu tranh cho dân chủ của các tầng lớp nhân dân ở các nước đó không ngừng diễn ra, tính chất đấu tranh đòi dân chủ ngày càng phức tạp. Ở các thể chế chính trị đa đảng của các nước phát triển phương Tây, dân chủ cũng chỉ là dân chủ của giới tư bản tài phiệt, của những người nắm quyền lực chính trị; người dân nghèo, đặc biệt là người da màu, không có quyền dân chủ và thực hành dân chủ. Sự cạnh tranh tự do để nắm quyền cũng như tự do dân chủ, thực tế chỉ là sự đọ sức giữa các thế lực tư bản tài chính lũng đoạn. Trong khi, ở thể chế một đảng cầm quyền của Lào, Cuba và Việt Nam, mặc dù xã hội chưa đạt trình độ phát triển cao như các nước phát triển phương Tây, song chế độ dân chủ được đề cao, được bảo đảm, dân chủ ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; đời sống chính trị – xã hội ổn định. Vì vậy, phát  huy dân chủ trong quá trình đổi mới ở nước ta là đòi hỏi tất yếu của của sự phát triển. Đảng ta coi việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là một trong những nội dung thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển công cuộc đổi mới của xã hội ta, khâu quan trọng cấp bách hiện nay là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.

Bên cạnh đó, kế thừa và phát triển những tư tưởng về dân chủ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm đặc sắc về dân chủ bằng diễn đạt rất ngắn gọn: “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”, “Dân là gốc”, “Nước ta là nước dân chủ”, “Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng”. Khẳng định vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, Người nói: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, và quan trọng hơn Người còn khẳng định phải làm cho dân được hưởng quyền làm chủ xã hội trên thực tế. Từ “dân là chủ” tiến lên thành “dân làm chủ” là một bước tiến về chất của dân chủ. Để đạt được những mục tiêu này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ta luôn xác định rõ phát huy dân chủ trong xã hội là một nội dung lớn của đường lối cách mạng nhằm phát huy sức mạnh của tòan dân tộc, khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, do nhân dân lao động làm chủ…. Dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Để việc phát huy sâu rộng quyền làm chủ của nhân dân, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc ban hành Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị và liền sau đó là các nghị quyết, nghị định của Quốc hội và Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và quan tâm kịp thời đến vấn đề phát huy dân chủ ở cơ sở. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển mô hình dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu không thể phủ nhận, đặc biệt là Dân chủ trong kinh tế; Dân chủ trong chính trị và Dân chủ trong văn hóa – xã hội.

Bên cạnh những thành tựu to lớn thì Đảng ta cũng xác định một số hạn chế, yếu kém, cần khắc phục như: Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều hạn chế. Một số lại có ảo tưởng muốn đạt ngay một trình độ phát triển cao của dân chủ trong khi nhiều tiền đề khách quan và chủ quan chưa chín muồi. Do không hiểu thực chất dân chủ trong chủ nghĩa tư bản nên một bộ phận nhân dân ngộ nhận dân chủ đó như là giá trị tuyệt đỉnh mà chủ nghĩa xã hội cũng phải khuôn theo. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, dân chủ và pháp luật còn tồn tại ở không ít người. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Nhà nước vẫn còn bị hiểu sai lệch, biến thành tập trung quan liêu hoặc dân chủ vô tổ chức. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính làm cho yêu cầu quản lý các quá trình kinh tế – xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân chưa nhanh nhạy và có hiệu quả cao. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức. Dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan cùng sự độc đoán chuyên quyền vẫn còn tồn tại. Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp còn nhiều biểu hiện thiếu thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của mình.Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn tình trạng quản lý độc đoán, chuyên quyền, thậm chí gia trưởng.

Trước tình trạng đó, Đảng ta luôn coi việc tìm ra nguyên nhân; đưa ra các biện pháp khắc phục và giám sát chặt chẽ việc sửa đổi sao cho thực thi Dân chủ trong Đảng và trong toàn dân diễn ra một cách toàn diện và hiệu quả cao nhất. Một trong các biện pháp quan trong nhất là xây dựng Quy chế dân chủ trong Đảng,  đẩy mạnh hơn nữa việc dân chủ hóa trong công tác cán bộ, cải tiến công tác bầu cử, xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân giám sát, kiểm tra Đảng, kiểm tra Nhà nước, tiếp tục nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các luật về trưng cầu ý dân, luật biểu tình, luật về hội, luật về tiếp cận thông tin để tạo cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trong xã hội, thực hiện tốt Quy định của Bộ Chính trị khóa XI, ngày 25-4-2015, “Về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước” nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành. Điều đó khẳng định được bản chất dân chủ thực sự của nhà nước ta.

Mai Dung (Tổng hợp)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG