Friday, March 29, 2024

Snowden trốn chạy: Cố thủ ở Moscow và kế hoạch tung hỏa mù với Mỹ

Do bị Mỹ hủy hộ chiếu nên Snowden không thể ra khỏi sân bay Nga trong 5 tuần cho đến khi chính thức được phép tị nạn lâu dài ở Nga, bất chấp sự phản đối của Washington.

Michael Ratner, chủ tịch danh dự của Trung tâm Quyền Hiến định, nhận định bất kỳ quốc gia nào chấp nhận đơn xin tị nạn của Edward Snowden, người đã rò rỉ hàng loạt tài liệu mật của cơ quan tình báo Mỹ, cần “đủ mạnh mẽ để đối đầu chống lại Mỹ”, mà nổi bật nhất là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, khả năng hai nước này sẽ tiếp nhận Snowden rất thấp. Do vậy, hướng ưu tiên chuyển sang các nước Nam Mỹ như Venezuela, Ecuador, Bolivia và Argentina…

Ngày 23/6/2013, hai tuần sau khi công khai danh tính là người đứng sau vụ lật tẩy các hành động khuất tất của chính phủ Mỹ, Edward Snowden rời khỏi Hong Kong. Được những người hỗ trợ đi cùng ra sân bay, Snowden đến làm thủ tục tại quầy của hãng Aeroflot trót lọt, đi qua khu vực kiểm tra xuất nhập cảnh, rồi lên chuyến bay của số hiệu SU213 để đến Moscow.

Mục tiêu của anh là sẽ quá cảnh ở Nga, sau đó đến một trong những nước Nam Mỹ mà anh đã nộp đơn xin tị nạn.

Snowden trốn chạy: Cố thủ ở Moscow và kế hoạch tung hỏa mù với Mỹ

Nhiều phóng viên túc trực ở khu vực trung chuyển mà Snowden có thể đi qua sau khi hạ cánh tại Nga, nhưng anh không xuất hiện

Cố thủ ở sân bay Nga

Tuy nhiên, khi Snowden đang trên phi cơ, hộ chiếu của anh đã bị chính phủ Mỹ hủy bỏ khiến anh rơi vào tình trạng không giấy tờ di chuyển hợp lệ.

Khi máy bay đáp ở sân bay Sheremetyevo vào lúc 14h cùng ngày, các hành khách nhanh chóng rời khỏi phi cơ và đi đến các xe buýt trung chuyển. Cảnh sát được cho là hiện diện đông đảo xung quanh máy bay một cách bất ngờ. Sau đó, một ôtô đen đi về hướng phi cơ.

Những hành khách trung chuyển ở Nga để đến nước khác đều sẽ đi qua Ga F. Theo kế hoạch, Snowden cũng sẽ đi qua đây. Tuy nhiên, Guardian cho biết không hành khách nào nói họ đã trông thấy một gương mặt giống với người thường xuất hiện trên tivi và các trang báo đi cùng với họ.

Cánh phóng viên dù túc trực ở sân bay nhiều ngày cũng không thể thấy bóng dáng của Snowden, dù trong khu vực ăn tối hay sảnh chờ VIP, hay tại khách sạn bên trong khu vực trung chuyển.

Một số nhà ngoại giao Ecuador cũng đến sân bay vào cuối chiều 23/6/2013, nhưng họ cũng nói không biết Snowden ở đâu cả. Ngoại trưởng Ecuardor là Ricardo Patino nói Snowden đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại nước này.

Mãi đến ngày 25/6/2013, các quan chức Nga mới lên tiếng. Ngoại trưởng Sergei Lavrov phát biểu một cách khéo léo rằng “Snowden chưa vượt qua biên giới của Nga”. Nhiều người thoạt đầu nghĩ rằng đây là cách chối bỏ sự xuất hiện của Snowden ở Nga, nhưng họ đã mắc bẫy về nghệ thuật sử dụng ngôn từ của ông Lavrov cũng như của Điện Kremlin.

Snowden trốn chạy: Cố thủ ở Moscow và kế hoạch tung hỏa mù với Mỹ

Snowden rời khỏi khu vực trung chuyển ở sân bay tại Moscow sau khi được cho phép nhập cảnh vào Nga.

Vài tiếng sau, khi đang trong chuyến thăm Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin mới nói rõ rằng Snowden vẫn đang ở trong khu vực chuyển tiếp của sân bay Sheremetyevo. Ông Putin hoan nghênh Snowden trong vai trò một nhà hoạt động và khẳng định sẽ không giao nộp anh cho Mỹ do hai nước không có thỏa thuận dẫn độ, và Snowden không phạm pháp ở Nga.

“Snowden là một người tự do. Anh ấy chọn được điểm đến cuối cùng càng sớm thì càng tốt cho bản thân và cho chúng tôi”, Tổng thống Putin nói. Vị tổng thống cũng bác bỏ chuyện các cơ quan tình báo Nga đang hợp tác cùng Snowden. Ông cũng nói Snowden cần phải ngừng “gây tổn hại” đến Mỹ nếu muốn ở lại Nga. Đây là lời thừa nhận công khai đầu tiên về việc Snowden có thể trú ẩn ở Nga.

Mãi đến đầu tháng 8/2013, Snowden mới được Moscow cấp các giấy tờ cần thiết để rời khỏi sân bay nhập cảnh vào Nga. Chính quyền Mỹ khi đó rất tức tối với hành động của phía Nga. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói “đây là cú tát vào mặt người Mỹ. Đã đến lúc xem xét lại mối quan hệ với Nga”.

Một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Putin dự kiến diễn ra trong tháng 8/2013 đã bị hủy bỏ vì quyết định của Moscow.

Snowden trốn chạy: Cố thủ ở Moscow và kế hoạch tung hỏa mù với Mỹ

Từ sân bay Moscow, Snowden gặp gỡ báo chí để thông báo quyết định nộp đơn xin tị nạn tại Nga vào tháng 7/2013.

Mỹ Latin không an toàn

Snowden rời sân bay lúc 14h ngày 1/8/2013. Đông đảo báo chí xuất hiện ở các khu vực ra đến nhưng không ai trông thấy Snowden. Luật sư của Snowden tại Nga, Anatoly Kucherena, nói: “Tung tích của anh ấy không thể công khai vì lý do an ninh, khi Snowden lúc này là người bị truy lùng gắt gao nhất thế giới”.

Trong khi đó, Wikileaks nói trên Twitter rằng Snowden “đã được chấp nhận tị nạn tạm thời ở Nga trong một năm. Anh ấy đã rời sân bay và đi cùng người của chúng tôi, Sarah Harrison”.

Bốn nước khi đó đã chấp thuận cho Snowden tị nạn vĩnh viễn gồm Ecuador, Nicaragua, Bolivia và Venezuela. Tuy nhiên, không có đường bay thẳng giữa Nga tới Nicaragua, Bolivia và Venezuela, trong khi Mỹ đã liên tục gây áp lực ở những nước mà Snowden có thể quá cảnh nếu muốn rời Nga. Do vậy, Snowden quyết định xin tị nạn ở Nga do anh cảm thấy không có con đường an toàn để đến Mỹ Latin.

Theo CNN, “một trong những lý do khiến tôi quyết định xin tị nạn ở Nga là việc Mỹ buộc cả chuyên cơ của tổng thống Bolivia hạ cánh. Trong khi một số chính phủ châu Âu và Bắc Mỹ sẵn sàng hành động ngoài pháp luật”, Snowden giải thích sau này.

Tháng 12/2013, Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, kể lại về quyết định của 4 tháng trước. “Dù Venezuela và Ecuador có thể bảo vệ Snowden trong ngắn hạn, môi trường những nước này có thể thay đổi trong tương lai. So với đó, Snowden sẽ an toàn khi ở lại Nga và điều này khó thay đổi”.

Snowden cũng đồng tình với lời khuyên này vì “CIA hiện diện rất đông đảo ở Mỹ Latin, mà lực lượng an ninh những nước này thì không thể so sánh được với Nga”.

Sự cố Morales

Một trong những diễn biến kịch tính nhất liên quan đến cuộc săn đuổi của chính phủ Mỹ với Edward Snowden là việc Washington gây sức ép buộc chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia Evo Morales phải hạ cánh ở Áo so với lộ trình bay ban đầu.

Snowden trốn chạy: Cố thủ ở Moscow và kế hoạch tung hỏa mù với Mỹ

Tổng thống Bolivia Morales phát biểu với báo chí tại một sân bay gần Vienna, Áo.

Chuyện bắt đầu khi Tổng thống Morales đến Nga dự hội nghị của các nước xuất khẩu dầu mỏ ngày 1/7/2013. Khi chuyên cơ chở ông trên đường chở về nước, họ bất ngờ bị Pháp, Tây Ban Nha và Italy đột ngột từ chối cho vào không phận.

Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca nói lý do của các nước trên đưa ra “đầu tiên là các vấn đề kỹ thuật, nhưng sau đó họ nói thẳng họ nghi ngờ chúng tôi chở Snowden trong chuyên cơ” (dù thực tế là anh ta vẫn đang ở sân bay Nga).

Chính quyền Bolivia phản đối gay gắt hành động của các nước. “Chúng tôi không biết ai đã nghĩ ra lời nói dối này. Họ muốn gây tổn hại đến Bolivia”, Ngoại trưởng Choquehuanca nói. Còn Phó tổng thống Bolivia nói Alvaro Garcia Linera Tổng thống Morales trở thành “con tin của chủ nghĩa đế quốc. Thế giới cần phản kháng lại sự ngạo mạn này”.

Sau nhiều cuộc trao đổi qua lại, máy bay quyết định hạ cánh ở Áo với lý do cần tiếp thêm nhiên liệu. Đài RT (Nga) cho biết Đại sứ Mỹ tại Áo khi đó là William Eacho khẳng định rất tự tin rằng “Snowden đang ở trong phi cơ và gửi công hàm ngoại giao yêu cầu dẫn độ đối tượng”.

Theo báo Guardian, Phó thủ tướng Áo Michael Spindelegger nói Tổng thống Morales chấp thuận cho đoàn kiểm tra lên máy bay để xác nhận không có Snowden bên trong. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ruben Saavedra khẳng định các quan chức Áo chỉ được dừng chân ở cửa máy bay.

Trong khi đó, Tổng thống Áo Heinz Fischer đã đến chào xã giao Tổng thống Morales. Hai ông đã cùng ăn sáng. Sau đó, phi cơ đoàn Bolivia rời khỏi Áo sau khi giới chức sở tại xác nhận rằng không có Snowden ở đây. Như vậy, Tổng thống Morales vô tình bị mắc kẹt ở Áo trong 13 tiếng vì những lời ngờ vực.

Ngày 3/7/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận Mỹ “đã liên hệ” với các nước mà Snowden có khả năng đi qua hoặc bay qua.

Sự việc tạo ra làn sóng ái quốc và phản đối chủ nghĩa đế quốc ở Bolivia. Các nước đồng minh Mỹ Latin cũng lên tiếng tức giận. Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner nói: “Việc này không chỉ là sự xúc phạm đến một nước anh em, mà là cả Nam Mỹ”.

Liên minh các nước Mỹ Latin đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngay sau đó. Tinh thần chung là Washington chịu trách nhiệm chính, đứng sau vụ ngăn cản máy bay của tổng thống Bolivia.

Sau vụ việc, 7 nước Mỹ Latin là Bolivia, Argentina, Cuba, Ecuador, Nicaragua, Uruguay và Venezuela cùng gửi lời phản đối đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Ông Moon đã phản hồi rằng tất cả nguyên thủ và chuyên cơ của họ phải được quyền miễn trừ bất khả xâm phạm. Ông kêu gọi không nên để bất kỳ sự việc tương tự tái diễn.

Trong khi đó, chính phủ Pháp đã công khai xin lỗi ngay sau sự việc. Đại sứ Tây Ban Nha tại Bolivia thì gửi lời xin lỗi vào 2 tuần sau. Chính quyền Italy và Bồ Đào Nha cũng gửi lời giải trình chính thức đến chính phủ Bolivia.

Mãi đến tháng 5/2015, trong một cuộc trao đổi trên trang Democracy Now, Julian Assange thừa nhận ông chính là người cố tình tung thông tin giả về việc Snowden đã lên chuyên cơ của tổng thống Bolivia.

Tháng 8/2014, sau khi đơn xin tị nạn hết hạn, Snowden tiếp tục được Moscow cấp phép cư trú thời hạn 3 năm cùng quyền tự do đi lại ở Nga.

Đầu tháng 1/2017, luật sư của Snowden tại Nga, Anatoly Kucherena, cho biết thời hạn cư trú của anh tiếp tục được gia hạn thêm 3 năm, và từ nay Snowden có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch tại Nga. Theo luật sư, Moscow cũng khẳng định sẽ không dẫn độ Snowden về Mỹ dù quan hệ hai nước có được cải thiện dưới thời Tổng thống Trump.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG